09:25 - 01/07/2025

Chi tiết 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025

Chi tiết 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025 với 2 mức phí khác nhau và đóng góp gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước

Mua bán nhà đất tại Hà Nội

Xem thêm nhà đất tại Hà Nội

Nội dung chính

    Chi tiết 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025

    Mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các tuyến cao tốc do Nhà nước làm chủ đầu tư.

    Theo đề án, hiện có 29 đoạn tuyến cao tốc đang do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác. Trong số này đã có 5 tuyến đã được Bộ Xây dựng phê duyệt phương án khai thác tài sản và dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thu phí từ tháng 1/2026.

    Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất triển khai thu phí trên 13 tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư, hoàn thành trong năm 2025, bao gồm:

    (1) Cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi

    (2) Cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng

    (3) Cao tốc Vũng Áng – Bùng

    (4) Cao tốc Bùng – Vạn Ninh

    (5) Cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ

    (6) Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan

    (7) Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn

    (8) Cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn

    (9) Cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh

    (10) Cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong

    (11) Cao tốc Vân Phong – Nha Trang

    (12) Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang

    (13) Cao tốc Hậu Giang – Cà Mau

    Về mức thu phí, đề án đề xuất 2 khung khác nhau, cụ thể:

    - Mức phí 1: 1.300 đồng/PCU/km, áp dụng cho các tuyến cao tốc đáp ứng đầy đủ điều kiện thu phí (gồm 4 làn xe và có làn dừng xe khẩn cấp liên tục)

    - Mức phí 2: 900 đồng/PCU/km, áp dụng cho các tuyến đã được quyết định chủ trương đầu tư trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực và khi hoàn thành chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

    Theo đó, sau khi trừ chi phí tổ chức thu phí, tổng số tiền thu được từ 13 tuyến cao tốc sẽ đóng góp gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước.

    Nếu như đề xuất được chấp thuận thì việc triển khai thu phí được đánh giá là bước đi cần thiết để tăng hiệu quả khai thác tài sản công và tạo nguồn lực đề đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông.

    Chi tiết 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025

    Chi tiết 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025 (Hình từ Internet)

    Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 4 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:

    (1) Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm:

    - Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ;

    - Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

    - Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    (2) Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

    (3) Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.

    Quy hoạch mạng lưới đường bộ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ như thế nào?

    Căn cứ tại Điều 5 Luật Đường bộ 2024 quy định quy hoạch mạng lưới đường bộ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:

    (1) Quy hoạch mạng lưới đường bộ được quy định như sau:

    - Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ;

    - Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác;

    - Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    (2) Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:

    - Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ;

    - Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định sơ bộ quy mô của cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định các điểm giao cắt chính; phương án kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch; giải pháp thực hiện quy hoạch;

    - Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

    (3) Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.

    Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai.

    (4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung về phát triển đường bộ trong phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Nội dung về phát triển đường bộ đô thị được xác định trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    (5) Quy hoạch quy định tại Điều này phải bảo đảm các quy định sau đây:

    - Kết nối giao thông đường bộ giữa các đô thị, địa bàn, khu vực, bến xe;

    - Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, xác định các tuyến đường bộ nối đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa.

    (6) Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ.

    Lê Minh Vũ
    Từ khóa
    13 tuyến cao tốc Cao tốc 13 tuyến cao tốc được đề xuất thu phí trong năm 2025 Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ Quy hoạch mạng lưới đường bộ Đường bộ
    4