11:55 - 29/05/2025

Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên như thế nào?

Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên như thế nào? Cao tốc Tây Nguyên đi qua đoạn nào tỉnh Đắk Lắk?

Nội dung chính

    Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên như thế nào?

    Theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, khu vực Tây Nguyên sẽ được kết nối bởi mạng lưới 9 tuyến cao tốc với tổng chiều dài vượt 1.800km, tạo thành hệ thống giao thông chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

    Trong đó, trục cao tốc Bắc – Nam phía Tây đóng vai trò kết nối trung tâm TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, có tổng chiều dài 479km. Tuyến đường này được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, chạy dọc từ Ngọc Hồi đến Chơn Thành.

    Cụ thể, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 124km đã được tỉnh Bình Phước lựa chọn nhà đầu tư và lên kế hoạch khởi công vào tháng 4/2025, kỳ vọng sẽ đi vào khai thác trong năm 2027. Đoạn còn lại, từ Ngọc Hồi đến Gia Nghĩa (355km), hiện đang được tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai kiến nghị đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trước năm 2030.

    Song song đó, hai tuyến cao tốc khác cũng kết nối TP.HCM với Chơn Thành là: tuyến Chơn Thành – Đức Hòa thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Tây đang được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025; tuyến TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo hình thức PPP đã khởi công đầu năm 2025, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026.

    Tây Nguyên còn được kết nối với Duyên hải miền Trung thông qua các tuyến cao tốc trục ngang, với tổng chiều dài trên 1.300km. Hiện tại, đoạn cao tốc Liên Khương – Prenn dài 19km thuộc tuyến Nha Trang – Liên Khương đã đi vào khai thác.

    Trong khi đó, tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (118km) đang được triển khai xây dựng. Giai đoạn đầu sẽ đưa vào khai thác khoảng 68km vào cuối năm 2025 và hoàn tất toàn tuyến trong năm 2026, vận hành đồng bộ vào năm 2027.

    Ngoài ra, nhiều tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bao gồm:

    Quy Nhơn – Pleiku: đang chờ Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

    Nha Trang – Liên Khương: đang lập chủ trương đầu tư theo hình thức PPP.

    Dầu Giây – Liên Khương: trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

    Quảng Ngãi – Kon Tum: đang nghiên cứu triển khai.

    Một số tuyến trục ngang khác chưa được đầu tư gồm: Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y; Pleiku – Lệ Thanh; Phú Yên – Đắk Lắk; Liên Khương – Buôn Ma Thuột.

    Hệ thống cao tốc được quy hoạch bài bản tại Tây Nguyên không chỉ đóng vai trò kết nối vùng mà còn mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, giao thương và du lịch, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước.

    Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên, có thê tham khảo:

    (Hình từ Internet)

    Cao tốc Tây Nguyên đi qua đoạn nào tỉnh Đắk Lắk?

    Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, một trong những dự án giao thông trọng điểm thuộc quy hoạch cao tốc khu vực Tây Nguyên, đang thu hút nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương.

    Đây là tuyến đường chiến lược kết nối vùng Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai khu vực.

    Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 117,5 km, bắt đầu từ khu vực cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và kết thúc tại cửa ngõ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

    Trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 84 km, trải dài qua các địa bàn quan trọng gồm thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng và huyện Ea Kar.

    Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc hiện đại với vận tốc khai thác lên đến 100 km/h sau khi hoàn thiện. Giai đoạn đầu, tuyến đường sẽ được xây dựng với quy mô 4 làn xe, có một số điểm dừng khẩn cấp bố trí định kỳ.

    Trong tương lai, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng đầy đủ với các làn dừng khẩn cấp và hệ thống cầu, hầm hiện đại nhằm đảm bảo lưu thông an toàn và hiệu quả.

    Việc tuyến cao tốc đi qua các huyện và thị xã trọng điểm của Đắk Lắk không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn mở ra cơ hội lớn cho giao thương, du lịch và thu hút đầu tư vào khu vực Tây Nguyên trong những năm tới.

    Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên như thế nào?

    Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên như thế nào? (Hình từ Internet)

    Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng đồng bộ với các công trình nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 47 Luật Đường bộ 2024 quy định về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc như sau:

    Điều 47. Đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc
    1. Việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc phù hợp với quy định tại Điều 28 của Luật này.
    2. Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình sau đây:
    a) Đường gom hoặc đường bên;
    b) Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc;
    c) Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe;
    d) Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ;
    đ) Công trình kiểm soát tải trọng xe.

    Như vậy, đường cao tốc được đầu tư, xây dựng đồng bộ với các công trình sau:

    - Đường gom hoặc đường bên;

    - Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc;

    - Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe;

    - Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ;

    - Công trình kiểm soát tải trọng xe.

    Trần Thị Thu Phương
    Từ khóa
    Cao tốc Tây Nguyên Bản đồ quy hoạch cao tốc Tây Nguyên Quy hoạch cao tốc Tây Nguyên Đường cao tốc Tỉnh Đắk Lắk
    106