09:10 - 12/06/2025

06 phân vùng phát triển đô thị tại TPHCM theo Quyết định 1125 là gì?

06 phân vùng phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm tại TPHCM theo Quyết định 1125 là gì? Chi tiết phân vùng phía Đông (phân vùng đô thị Thủ Đức) như thế nào?

Mua bán nhà đất tại Hồ Chí Minh

Nội dung chính

    06 phân vùng phát triển đô thị tại TPHCM theo Quyết định 1125 là gì?

    Căn cứ theo khoản 5 Điều 1 Quyết định 1125/QĐ-TTg năm 2025 quy định về 06 phân vùng phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm tại TPHCM như sau:

    Theo quy hoạch chung mới được phê duyệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển cấu trúc không gian đô thị theo 06 phân vùng chính, gồm: phân vùng trung tâm, phía Đông, phía Tây, phía Bắc, phía Nam và phía Đông Nam.

    Mỗi phân vùng được tổ chức theo hướng đa chức năng, kết nối với các trung tâm vùng, trung tâm quốc gia và quốc tế, nhằm tạo ra cơ hội việc làm, cải thiện môi trường sống và nâng cao chất lượng đô thị. Việc tổ chức không gian phát triển từng phân vùng sẽ gắn liền với quy hoạch giao thông công cộng. Cụ thể:

    - Phân vùng đô thị trung tâm: Bao gồm khu vực nằm bên trong đường Vành đai 2 và phía Bắc của kênh Đôi, kênh Tẻ.

    - Phân vùng phía Đông: Là địa bàn thành phố Thủ Đức hiện nay, dự kiến sẽ phát triển thành phân vùng đô thị riêng – đô thị Thủ Đức.

    - Phân vùng phía Tây: Gồm khu vực phía Bắc phân vùng trung tâm và một phần phía Tây sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân – định hướng phát triển thành đô thị Bình Chánh.

    - Phân vùng phía Bắc: Bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc quận 12 – dự kiến hình thành đô thị Củ Chi – Hóc Môn.

    - Phân vùng phía Nam: Bao gồm khu vực phía Nam kênh Đôi (thuộc quận 8), khu vực Đông sông Cần Giuộc (huyện Bình Chánh), Quận 7 và huyện Nhà Bè – phát triển thành đô thị Quận 7 – Nhà Bè.

    - Phân vùng phía Đông Nam: Toàn bộ huyện Cần Giờ hiện nay – định hướng phát triển thành đô thị Cần Giờ.

    TPHCM tổ chức hệ thống kết nối giữa các phân vùng đô thị thông qua:

    - 09 trục giao thông xuyên tâm (gồm 04 trục Bắc – Nam và 05 trục Đông – Tây),

    - 03 vành đai giao thông (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4),

    - 02 hành lang phát triển đô thị mới, gồm:

    - Hành lang dọc sông Sài Gòn

    - Hành lang kinh tế ven biển.

    Đặc biệt, hành lang phát triển dọc sông Sài Gòn sẽ là điểm nhấn mang bản sắc đô thị đặc trưng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và dấu ấn lịch sử hình thành của Thành phố.

    Chi tiết phân vùng phía Đông (phân vùng đô thị Thủ Đức) như thế nào?

    Theo Quyết định 1125/QĐ-TTg năm 2025 phân vùng phía Đông của TP.HCM (phân vùng đô thị Thủ Đức) sẽ phát triển với diện tích khoảng 211 km², dân số dự báo đến năm 2040 đạt khoảng 2,2 – 2,64 triệu người.

    [1] Định hướng không gian đô thị sáng tạo và công nghệ cao

    Phân vùng này mang tính chất là đô thị sáng tạo, trung tâm giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghiệp công nghệ cao, tài chính – ngân hàng, dịch vụ y tế và du lịch sinh thái. Đặc biệt, Thủ Thiêm được xác định là trung tâm tài chính quốc tế, trong khi khu vực Trường Thọ – Rạch Chiếc là trung tâm chính của đô thị, với không gian mở rộng về hướng Long Phước – Tam Đa.

    [2] Ưu tiên các động lực mới cho tăng trưởng

    Thành phố định hướng phát triển Thủ Đức thành đô thị sinh thái – hiện đại, lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Các khu vực trọng điểm sẽ được ưu tiên phát triển theo các chức năng:

    - Tài chính – thương mại – dịch vụ chất lượng cao

    - Giáo dục – đào tạo – nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

    - Công nghiệp công nghệ cao và sản xuất tiên tiến

    Đồng thời, sẽ hình thành các trung tâm kinh tế tri thức, thúc đẩy phát triển theo mô hình đô thị nén, ưu tiên sử dụng hiệu quả đất đai, hạ tầng và không gian công cộng.

    [3] Hạ tầng giao thông hiện đại, tích hợp đa phương thức

    Phân vùng phía Đông sẽ được tổ chức không gian gắn với hệ thống giao thông đa phương thức, bao gồm các tuyến metro, xe buýt nhanh, giao thông công cộng sức chở lớn… nhằm kết nối hiệu quả giữa các khu vực trong vùng và liên kết vùng với toàn TP.HCM và khu vực kinh tế phía Nam.

    [4] Phát triển bền vững và thích ứng khí hậu

    Không gian đô thị Thủ Đức được quy hoạch dựa trên khung cảnh quan sinh thái, giữ gìn các vùng tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái sông nước. Mạng lưới công viên cây xanh, hành lang thoát nước và giải pháp quản lý ngập lụt đô thị sẽ được đồng bộ triển khai, hướng tới xây dựng một đô thị xanh, thông minh, đáng sống.

    06 phân vùng phát triển đô thị tại TPHCM theo Quyết định 1125 là gì?

    06 phân vùng phát triển đô thị tại TPHCM theo Quyết định 1125 là gì? (Hình từ Internet)

    Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị gồm các loại vốn nào?

    Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị gồm các loại vốn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 11/2013/NĐ-CP như sau:

    Điều 5. Vốn đầu tư cho phát triển đô thị
    1. Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn của các thành phần kinh tế khác.
    2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được sử dụng các quỹ đầu tư hiện có (bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở...) để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị.

    Như vậy, theo quy định trên thì vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn của các thành phần kinh tế khác

    Trần Thị Thu Phương
    Từ khóa
    Quyết định 1125 Phân vùng phát triển đô thị Phát triển đô thị tại TPHCM Phân vùng phía Đông Phát triển đô thị Đô Thị Quy hoạch TPHCM Đô thị TPHCM
    54