Ứng dụng phong cách Nhật Bản vào thiết kế nội thất văn phòng hiện đại

Một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hiện nay là thiết kế nội thất theo phong cách Nhật Bản nhằm đề cao sự tối giản, hài hòa với thiên nhiên.

Nội dung chính

Tổng quan về phong cách Nhật Bản trong thiết kế nội thất

Phong cách Nhật Bản là sự kết hợp giữa thẩm mỹ tối giản (minimalism), triết lý sống hài hòa với tự nhiên, và tính thực tế trong từng chi tiết thiết kế. Mọi vật dụng trong không gian đều có lý do tồn tại, và đều mang một tinh thần rất riêng, không phô trương nhưng đầy chiều sâu.

Đặc trưng nổi bật của phong cách Nhật Bản

- Tối giản tối đa: Loại bỏ những vật dụng thừa thãi, chỉ giữ lại những gì thực sự cần thiết.

- Chất liệu tự nhiên: Gỗ, đá, tre nứa, vải thô là những vật liệu chủ đạo tạo nên cảm giác ấm áp và gần gũi.

- Gắn kết với thiên nhiên: Cây xanh, vườn thiền, ánh sáng tự nhiên… được đưa vào không gian để tạo sự thư giãn.

- Màu sắc trang nhã: Tone trắng, be, nâu nhạt và các sắc độ của đất là màu sắc thường thấy trong thiết kế nội thất phong cách Nhật Bản.

- Tối ưu hóa không gian nhỏ: Thiết kế thông minh, nội thất đa năng là điểm mạnh để tận dụng tối đa diện tích sử dụng.

Ứng dụng phong cách Nhật Bản vào thiết kế nội thất văn phòng hiện đại

Ứng dụng phong cách Nhật Bản vào thiết kế nội thất văn phòng hiện đại (Hình từ Internet)

Ứng dụng phong cách Nhật Bản vào thiết kế nội thất văn phòng hiện đại

Dưới đây là 5 kiểu phong cách Nhật Bản nổi bật, có thể ứng dụng hiệu quả vào thiết kế nội thất văn phòng, từ truyền thống đến hiện đại, từ tối giản đến thiền định. Mỗi phong cách đều mang một sắc thái riêng nhưng đều có điểm chung là tạo nên môi trường làm việc gọn gàng, yên tĩnh và đầy cảm hứng.

(1) Phong cách Nhật Bản truyền thống

Phong cách Nhật Bản truyền thống hướng đến sự tĩnh tại, trầm lắng, mang đậm bản sắc văn hóa. Trong thiết kế nội thất văn phòng, phong cách này có thể được thể hiện qua:

- Bàn ghế từ tre, gỗ tự nhiên: Không sơn phủ quá nhiều để giữ nguyên vân gỗ và cảm giác thô mộc.

- Cây xanh và tiểu cảnh: Như trúc nhật, cây thạch nam - mang không khí trong lành, dễ chăm sóc.

- Trang trí bằng tranh thư pháp, tranh thủ công: Gợi sự tinh tế, trầm mặc.

Không gian mang phong cách Nhật Bản truyền thống rất phù hợp cho những công ty cần sự tĩnh tâm, sáng tạo, như kiến trúc, mỹ thuật, văn phòng luật…

(2) Phong cách Nhật Bản tối giản

Đây là kiểu phong cách Nhật Bản phổ biến nhất hiện nay. Tối giản không đồng nghĩa với đơn điệu, mà là sự cân bằng giữa tính thẩm mỹ và công năng:

- Nội thất thiết kế đơn giản: Ghế công thái học, bàn làm việc gọn, tủ âm tường.

- Không gian mở, ít vách ngăn: Tăng kết nối giữa các khu vực làm việc.

- Ánh sáng tự nhiên: Tối đa hóa qua giếng trời, cửa kính lớn.

Phong cách này rất được ưa chuộng bởi các startup, công ty công nghệ, vì mang đến môi trường làm việc rõ ràng, tập trung.

(3) Phong cách Zen (thiền định)

Phong cách Zen là tinh thần cốt lõi của phong cách Nhật Bản, đặc biệt phù hợp với môi trường cần nhiều sự cân bằng và tĩnh lặng.

- Không gian vườn thiền mini (Karesansui): Dùng đá, sỏi trắng và cây bonsai tạo điểm thư giãn.

- Tông màu trung tính, vật liệu thô mộc: Gỗ sồi, đá xám, ánh sáng dịu.

- Tranh thiền, tượng Phật nhỏ: Tạo năng lượng tĩnh tại.

Zen giúp giảm căng thẳng, tăng sự tập trung và kết nối sâu sắc giữa nhân viên với không gian làm việc.

(4) Phong cách Japandi

Japandi là sự giao thoa giữa phong cách Nhật Bản và Scandinavian hiện đại, tối giản và tinh tế.

- Sử dụng nội thất ít chi tiết, mềm mại: Kết hợp ánh sáng ấm áp, vải mộc, gỗ tự nhiên.

- Tạo cảm giác “hygge”: Thân thiện, ấm cúng, khuyến khích tương tác và cộng tác trong văn phòng.

Japandi là lựa chọn lý tưởng cho các văn phòng sáng tạo, agency hoặc môi trường làm việc đề cao trải nghiệm nhân sự.

(5) Phong cách Wabi-sabi

Wabi-sabi là linh hồn sâu sắc nhất của phong cách Nhật Bản tôn vinh vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, cũ kỹ nhưng có chiều sâu.

- Sử dụng đồ nội thất có vết tích thời gian: Bàn gỗ cũ, gốm thô, đá tự nhiên không đánh bóng.

- Chất liệu gần gũi: Vải đay, gỗ mộc, thép gỉ – kết hợp cùng không gian ánh sáng dịu nhẹ.

Phong cách Wabi-sabi mang lại sự trầm lắng, thiền định, phù hợp cho phòng giám đốc, phòng sáng tạo, không gian thư giãn trong văn phòng.

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề thiết kế nội thất được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 22 Luật Kiến trúc 2019 quy định quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề kiến trúc, cụ thể như sau:

Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề
1. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải phù hợp với quy định của pháp luật và có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Nguyên tắc hành nghề;
b) Cạnh tranh trong hành nghề;
c) Bảo đảm quyền bình đẳng giới;
d) Quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Ứng xử nghề nghiệp đối với đồng nghiệp và khách hàng.
2. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.
3. Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.

Như vậy, kiến trúc sư hành nghề thiết kế nội thất khi hành nghề phải tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp theo quy định tại Điều 22 Luật Kiến trúc 2019.

saved-content
unsaved-content
242