Chi tiết vị trí và hướng bếp trong Phong Thủy Bát Trạch Phái
Nội dung chính
Chi tiết vị trí và hướng bếp trong Phong Thủy Bát Trạch Phái
Dưới góc nhìn của Bát Trạch phái trong phong thủy, bếp không chỉ đơn thuần là nơi chế biến thực phẩm mà còn là yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe, tài lộc và vận mệnh của cả gia đình. Người xưa quan niệm rằng bếp chính là nơi cung cấp năng lượng cho mọi thành viên trong gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến phúc họa, bệnh tật và sự hưng thịnh của gia chủ. Do đó, việc bố trí bếp đúng phong thủy có thể giúp thu hút vượng khí, đem lại sự bình an, may mắn, còn nếu sắp xếp sai lệch có thể dẫn đến hao tài, tổn sức, thậm chí gây bất hòa trong gia đình.
Nguyên tắc đặt bếp trong Phong Thủy Bát Trạch Phái
Khác với một số trường phái phong thủy khác, Bát Trạch không chỉ quan tâm đến vị trí đặt bếp mà còn rất coi trọng hướng của miệng bếp (Táo Hướng). Đặc biệt, trong thời hiện đại, phần lớn gia đình sử dụng bếp ga, bếp từ, trong đó vị trí núm vặn điều chỉnh lửa chính là Táo Khẩu – nơi khí đi vào và tạo ra ngọn lửa nấu ăn. Bát Trạch luận phong thủy bếp dựa trên ba yếu tố chính:
+ Táo Tọa (nơi đặt bếp): Xác định vị trí đặt bếp, chỉ quan tâm đến tọa độ mà không luận hướng.
+ Táo Khẩu (hướng bếp): Hướng mà miệng bếp quay về, cần phải chọn hướng tốt theo mệnh gia chủ.
+ Táo Hướng (hướng lửa vào): Là hướng được xác định từ vị trí điều khiển bếp (thường là núm vặn hoặc công tắc bếp).
Nguyên tắc quan trọng nhất trong phong thủy bếp của Bát Trạch là "Tọa Hung Hướng Cát" – tức là bếp nên được đặt ở vị trí xấu nhưng quay về hướng tốt của gia chủ. Điều này xuất phát từ quan niệm rằng, đặt bếp ở phương vị không may mắn sẽ "đốt" đi những điều xấu, trong khi miệng bếp quay về hướng tốt sẽ giúp thu hút sinh khí, mang đến phúc lộc cho gia đình.
Ví dụ:
Người thuộc Đông Tứ Mệnh nên đặt bếp tại vị trí Tây Tứ Quái nhưng miệng bếp cần quay về hướng Đông Tứ Quái để kích hoạt tài lộc và sức khỏe.
Ngược lại, người thuộc Tây Tứ Mệnh nên đặt bếp ở Đông Tứ Quái nhưng hướng bếp cần quay về Tây Tứ Quái.
Cách bố trí vị trí đặt bếp theo Phong Thủy Bát Trạch Phái
Khi lựa chọn vị trí đặt bếp, Bát Trạch chia ra các cung tốt và xấu để gia chủ có thể sắp xếp phù hợp. Cụ thể:
Những vị trí đặt bếp tốt (Tọa Hung)
+ Tuyệt Mệnh: Dù là cung xấu nhưng đặt bếp tại đây giúp hóa giải tai ương, gia chủ khỏe mạnh, sống lâu, nhân tài phát triển.
+ Ngũ Quỷ: Giúp trấn áp tai họa, tránh trộm cướp, gia đình kinh doanh phát đạt.
+ Lục Sát: Hóa giải xung đột, đem lại tài lộc và sự nghiệp hưng thịnh.
+ Họa Hại: Đặt bếp ở đây giúp hóa giải vận xui, tránh hao tài tốn của, giữ bình an cho gia đình.
Những vị trí không nên đặt bếp (Tọa Cát)
+ Sinh Khí: Tọa cung này làm suy yếu tài lộc, tổn hao của cải.
+ Diên Niên: Có thể ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, gây xung đột.
+ Thiên Y: Gây ra tình trạng bệnh tật, đau ốm liên miên.
+ Phục Vị: Khiến gia chủ gặp khó khăn tài chính, cuộc sống vất vả.
Chọn hướng bếp theo Phong Thủy Bát Trạch Phái
Bên cạnh việc chọn vị trí đặt bếp, hướng miệng bếp (Táo Khẩu) cũng vô cùng quan trọng. Hướng bếp nên quay về các phương tốt để thu hút tài lộc và sức khỏe cho gia đình:
+ Hướng Sinh Khí: Giúp gia chủ phát tài, gia đình hưng vượng, con cái ngoan ngoãn, thành đạt.
+ Hướng Thiên Y: Mang đến sức khỏe dồi dào, đẩy lùi bệnh tật, giúp gia đình luôn được bình an.
+ Hướng Diên Niên: Cải thiện các mối quan hệ, giúp gia đình hòa thuận, vợ chồng gắn kết, con cái hiếu thảo.
+ Hướng Phục Vị: Tăng cường vận may, giúp công danh sự nghiệp ổn định, cuộc sống thuận lợi.
Chi tiết vị trí và hướng bếp trong Phong Thủy Bát Trạch Phái (Hình từ Internet)
Một số lưu ý về vị trí và hướng bếp trong Phong Thủy Bát Trạch Phái
(1) Nên lắp đặt máy hút mùi để giữ không gian bếp thông thoáng, tránh đặt bếp quá gần cửa sổ.
(2) Bệ đặt bếp và bồn rửa không được bố trí đối diện nhau.
(3) Khoảng cách tối thiểu giữa bếp và bồn rửa là 60 cm.
(4) Không nên đặt bếp ở vị trí trung tâm ngôi nhà.
(5) Miệng lò và núm vặn bếp nên quay về hướng Sinh Khí của chủ nhà.
(6) Không gian bếp cần có sự hài hòa về âm dương.
(7) Tránh đặt bếp đối diện với ban thờ Phật, Tiên, Thánh, Thần hoặc gia tiên.
(8) Không bố trí bếp dưới xà ngang.
Điều chỉnh thiết kế nhà bếp khi đang xây nhà có cần điều chỉnh giấy phép xây dựng?
Tại khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng 2014 có quy định như sau:
Điều chỉnh giấy phép xây dựng
1. Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:
a) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
b) Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
c) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
...
Theo đó, điều chỉnh thiết kế nhà bếp khi đang xây nhà mà rơi vào 3 trường hợp dưới đây thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng:
(1) Điều chỉnh thiết kế nhà bếp dẫn đến làm thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
(2) Điều chỉnh thiết kế nhà bếp dẫn đến thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
(3) Điều chỉnh thiết kế nhà bếp bên trong ngôi nhà dẫn đến thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.