Văn bản hợp nhất 4778/VBHN-BVHTTDL năm 2014 hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Du lịch về lưu trú du lịch do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 4778/VBHN-BVHTTDL
Ngày ban hành 29/12/2014
Ngày có hiệu lực 29/12/2014
Loại văn bản Văn bản hợp nhất
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Tuấn Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4778 /VBHN-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2007/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DU LỊCH VỀ LƯU TRÚ DU LỊCH

Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 01 năm 2009, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2011.

Thông tư số 19/2014/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 17/2010/TT-BVHTTDL, Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2015.

Căn cứ Luật Du lịch số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 63/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch về lưu trú du lịch như sau: [1]

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về tiêu chí phân loại, xếp hạng, hồ sơ đăng ký hạng, thủ tục xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch và cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm trong khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch.

2.2. Đối tượng không áp dụng

Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Nhà khách hoạt động theo quy định của Chính phủ;

b) Chung cư, ký túc xá, nhà trọ, nhà cho các đối tượng không phải là khách du lịch thuê.

II. TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI, XẾP HẠNG CƠ SỞ LƯU TRÚ DU LỊCH

1. Tiêu chí phân loại cơ sở lưu trú du lịch

1.1. Khách sạn (hotel) là cơ sở lưu trú du lịch, có quy mô từ mười buồng ngủ trở lên, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách lưu trú và sử dụng dịch vụ, bao gồm các loại sau:

a) Khách sạn thành phố (city hotel) là khách sạn được xây dựng tại các đô thị, chủ yếu phục vụ khách thương gia, khách công vụ, khách tham quan du lịch;

b) Khách sạn nghỉ dưỡng (hotel resort) là khách sạn được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, căn hộ, băng-ga-lâu (bungalow) ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan của khách du lịch;

c) Khách sạn nổi (floating hotel) là khách sạn di chuyển hoặc neo đậu trên mặt nước;

d) Khách sạn bên đường (motel) là khách sạn được xây dựng gần đường giao thông, gắn với việc cung cấp nhiên liệu, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện vận chuyển và cung cấp các dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch.

1.2. Làng du lịch (tourist village) là cơ sở lưu trú du lịch gồm tập hợp các biệt thự hoặc một số loại cơ sở lưu trú khác như căn hộ, băng-ga-lâu (bungalow) và bãi cắm trại, được xây dựng ở nơi có tài nguyên du lịch, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có hệ thống dịch vụ gồm các nhà hàng, quầy bar, cửa hàng mua sắm, khu vui chơi giải trí, thể thao và các tiện ích khác phục vụ khách du lịch.

1.3. Biệt thự du lịch (tourist villa) là biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê, có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú. Có từ ba biệt thự du lịch trở lên được gọi là cụm biệt thự du lịch.

[...]