BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/VBHN-BTC
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH[1]
VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TẠI
VÙNG KHÓ KHĂN
Quyết định số
92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với
thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg
ngày 05/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối
với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số
92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối
với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, có hiệu lực thi hành từ
ngày 08/8/2023.
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số
78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết
phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2007 số 20/2007/NQ-CP ngày 11 tháng 4
năm 2007 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Tài chính,[2]
Điều
1. Tín dụng đối
với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn
lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển thương mại ở địa bàn
miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc góp phần thực hiện chương trình phát
triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong
cả nước.
Giao Ngân hàng Chính sách
xã hội thực hiện chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại
vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này.
Điều
2. Vùng khó khăn[3]
1. Vùng khó khăn được
thụ hưởng chính sách tín dụng đối với thương nhân quy định tại Quyết định này
bao gồm:
a) Các xã, phường, thị
trấn (sau đây gọi chung là xã) quy định trong Danh mục các đơn vị hành chính cấp
xã thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ;
b) Các huyện đảo không
có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi
ngang, ven biển và hải đảo do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ;
c) Các thôn không thuộc
các xã quy định tại điểm a khoản này nhưng thuộc Danh sách các thôn đặc biệt
khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do cấp có thẩm quyền ban
hành cho từng thời kỳ.
2. Các đơn vị hành
chính thành lập trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc các
Danh mục nêu tại khoản 1 Điều này cũng được hưởng chính sách tín dụng theo Quyết
định này.”
Điều
3. Thương nhân hoạt động thương mại
1. Thương nhân bao gồm: tổ
chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc
lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
2. Hoạt động thương mại:
thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều
4. Đối tượng được vay vốn
Đối tượng được vay vốn
theo quy định tại Quyết định này là thương nhân hoạt động thương mại thường
xuyên ở vùng khó khăn.
Điều
5. Điều kiện được vay vốn
Để được vay vốn, đối tượng
được vay vốn quy định tại Điều 4 Quyết định này phải đáp ứng
các điều kiện sau:
1. Được Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi thương nhân hoạt động thương mại xác nhận có thực hiện hoạt động thương
mại thường xuyên trên địa bàn.
2. Có vốn tự có (bao gồm:
giá trị vật tư, quyền sử dụng đất, tiền vốn) tham gia tối thiểu bằng 20% tổng
nhu cầu vốn vay cho hoạt động thương mại tại địa bàn vùng khó khăn.
3. Thực hiện các biện
pháp bảo đảm tiền vay theo quy định tại Điều 12 Quyết định này.
Điều
6. Nguyên tắc vay vốn
1. Thương nhân vay vốn phải
sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay quy định tại Điều 7 Quyết
định này.
2. Thương nhân vay vốn phải
trả nợ gốc, lãi đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã cam kết.
Điều
7. Mục đích sử dụng vốn vay
Ngân hàng Chính sách xã hội
cho thương nhân vay vốn để đáp ứng các nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại gồm:
1. Đầu tư xây dựng trụ sở,
cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị và các tài sản khác.
2. Mua sắm hàng hóa gồm
máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động
sản khác được lưu thông trên thị trường.
3. Góp vốn với các tổ chức,
cá nhân khác để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh tại địa bàn vùng khó
khăn quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Điều
8. Mức vốn cho vay[4]
1. Đối với thương nhân
là cá nhân: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/cá nhân.
2. Đối với thương nhân
là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật: Mức vốn
cho vay tối đa là 1 tỷ đồng/tổ chức.”
Điều
9. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay áp dụng
bằng mức lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó
khăn.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng
130% lãi suất cho vay.
3. Việc điều chỉnh mức
lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản
trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều
10. Thời hạn cho vay, gia hạn nợ
1. Thời hạn cho vay được
xác định theo các loại cho vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhưng tối đa
không quá 5 năm.
2. Thời hạn cho vay của từng
trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, phù hợp với mục đích sử dụng
vốn vay, khả năng trả nợ của thương nhân và chu kỳ của hoạt động thương mại.
3. Thời hạn gia hạn nợ đối
với các khoản vay vốn ngắn hạn tối đa không quá 12 tháng. Thời hạn gia hạn nợ đối
với các khoản cho vay trung hạn và dài hạn, tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay
ghi trong hợp đồng tín dụng.
Điều
11. Phương thức cho vay
Ngân hàng Chính sách xã hội
thực hiện cho vay trực tiếp đối với thương nhân.
Điều
12. Bảo đảm tiền vay[5]
1. Thương nhân vay vốn
đến 100 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
2. Thương nhân vay vốn
trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật
về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều
13. Xử lý rủi ro nguyên nhân khách quan
Việc xử lý rủi ro được thực
hiện theo quy định của pháp luật về xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách
xã hội.
Điều
14. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội
1. Hướng dẫn cụ thể về hồ
sơ, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
2. Thẩm định hồ sơ xin
vay vốn của khách hàng và thực hiện cho vay đúng đối tượng và đáp ứng đủ điều
kiện vay vốn theo quy định.
3. Xây dựng quy trình và
thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của
thương nhân phù hợp với đặc điểm hoạt động của ngân hàng, tính chất của khoản
vay nhằm bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn
vay. Trường hợp thương nhân đã vay vốn nhưng không sử dụng tiền vay để hoạt động
thương mại tại vùng khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Ủy ban
nhân dân cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng thu hồi nợ theo quy
định.
Điều
15. Trách nhiệm của thương nhân vay vốn
1. Lập hồ sơ vay vốn theo
hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm về tính chính xác
và hợp pháp của các tài liệu gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Thực hiện đầy đủ
nguyên tắc vay vốn theo quy định tại Điều 6 Quyết định này.
3. Thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ và các cam kết khác trong hợp đồng tín dụng.
4. Chịu sự kiểm tra, giám
sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về việc sử dụng
vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Điều
16. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
1. Các Bộ, cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền
về chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó
khăn theo quy định tại Quyết định này, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của
Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Bộ Tài chính
a) Thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về tài chính theo thẩm quyền[6].
b) Chủ trì, phối hợp với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với thương nhân hoạt động
thương mại tại vùng khó khăn trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp
bù chênh lệch lãi suất, bố trí vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình
Chính phủ trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với thương nhân hoạt động
thương mại tại vùng khó khăn trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp
bù chênh lệch lãi suất, bố trí vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình
Chính phủ trình Quốc hội.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ
quan chức năng thực hiện chính sách tín dụng đối với thương nhân kinh doanh
thương mại tại vùng khó khăn theo quy định của pháp luật và Quyết định này.
Điều
17. Hiệu lực thi hành[7]
1. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2009.
2. Đối với các cá nhân
thuộc hộ gia đình có đăng ký kinh doanh đã được vay vốn theo Quyết định số
31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối
với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được quyền vay vốn theo
quy định tại Quyết định này sau khi hoàn trả đầy đủ cả gốc, lãi cho Ngân hàng
Chính sách xã hội.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc,
Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC (5b).
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|
[1] Quyết định này được hợp nhất từ 02 Quyết định sau:
- Quyết định số
92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương
mại tại vùng khó khăn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/9/2007.
- Quyết định số
17/2023/QĐ-TTg ngày 05/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về
tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định
số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng
đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 08/8/2023.
Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Quyết định
trên.
[2] Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức
tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Theo đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Tài chính;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của
Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại
vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ
tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng
khó khăn.
[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 08/8/2023.
[4] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 08/8/2023.
[5] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định
tại Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 08/8/2023.
[6] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản
4 Điều 2 Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành kể từ ngày
08/8/2023.
[7] Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
Quyết định số
17/2023/QĐ-TTg quy định như sau:
1. Đối với các hợp đồng
tín dụng đã ký trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì các bên tiếp
tục thực hiện theo các nội dung quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.
2. Trường hợp người vay vốn đang vay vốn tại
Ngân hàng Chính sách xã hội nay không còn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại
Quyết định này thì tiếp tục thực hiện theo các cam kết, quyền hạn, trách nhiệm
ghi trong hợp đồng tín dụng đã ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội cho đến
khi kết thúc hợp đồng.