Tuyên bố về quyền phát triển, 1986

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 04/12/1986
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ VỀ QUYỀN PHÁT TRIỂN, 1986

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết 41/128 ngày 4/12/1986).

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,

Nhận thức rằng, những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan tới thành tựu của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực nhân đạo, văn hóa, xã hội và kinh tế, và để thúc đẩy, khuyến khích việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo;

Công nhận rằng, phát triển là một quá trình toàn diện về chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế nhằm cải thiện một cách liên tục và vững chắc sự phồn vinh của toàn thể dân chúng và của mọi cá nhân, dựa trên sự tham gia có ý nghĩa tự do và tích cực của họ vào sự phát triển và vào việc phân phối một cách công bằng những lợi ích phát sinh từ sự phát triển đó;

Xem xét các quy định của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, tất cả mọi người. đều có quyền được sống trong một trật tự thế giới và trật tự xã hội mà trong đó các quyền và tự do đề ra trong Tuyên ngôn có thể được thực hiện đầy đủ;

Nhắc lại những điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị;

Nhắc lại xa hơn nữa những công ước, hiệp ước, nghị quyết, khuyến nghị và những văn kiện khác có liên quan của Liên Hợp Quốc và của các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc về sự phát triển của con người, về tiến bộ kinh tế và xã hội và về sự phát triển của tất cả các dân tộc, bao gồm các văn kiện có liên quan đến việc phi thực dân hóa việc chống phân biệt đối xử việc tôn trọng và tuân thủ các quyền con người và tự do cơ bản, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ và sự hợp tác thân thiện giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương;

Nhắc lại quyền tự quyết của các dân tộc, theo ý nghĩa của quyền này, các dân tộc có quyền tự do quyết định hình thái chính trị của mình và theo đuổi sự phát triển kinh tế xã hội và văn hóa của họ;

Cũng nhắc lại rằng quyền tự quyết của các dân tộc, theo các điều khoản có liên quan của cả hai Công ước quốc tế về các quyền con người kể trên bao gồm quyền có chủ quyền đầy đủ và hoàn toàn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình;

Nhắc nhở nghĩa vụ của các nước theo Hiến chương nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ mang tính phổ biến đối với các quyền con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không có sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội và dân tộc tài sản, giống nòi hay các tình trạng khác;

Xem xét rằng, việc xóa bỏ sự vi phạm trắng trợn và phổ biến các quyền con người của các dân tộc và các cá nhân do hậu quả của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân kiểu mới, chế độ A-pác-thai, của mọi hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và của sự phân biệt chủng tộc của sự thống trị và chiếm đóng của nước ngoài, của sự xâm lược và những mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, đối với sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ và những mối đe dọa về chiến tranh, có thể góp phần vào việc tạo nên những nguy cơ với sự phát triển của một bộ phận lớn của nhân loại;

Lo ngại về sự tồn tại của những cản trở nghiêm trọng đối với sự phát triển, cũng như đối với sự phát triển một cách đầy đủ của con người và của các dân tộc, được tạo nên, không kể những nguyên nhân khác từ việc từ chối thực hiện các quyền dân sự chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, và xem xét rằng, mọi quyền con người và các tự do cơ bản là không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau, và để thúc đẩy sự phát triển, cần quan tâm đồng đều và xem xét một cách cấp bách đến việc thực hiện, thúc đẩy và bảo vệ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, theo đó, việc thúc đẩy, tôn trọng và hưởng thụ một số quyền con người và các tự do cơ bản nhất định không thể được sử dụng để bào chữa cho việc chối bỏ các quyền con người và các tự do cơ bản khác;

Cho rằng, hòa bình và an ninh quốc tế là những nhân tố quan trọng cho việc thực hiện quyền phát triển;

Tái khẳng định rằng, có một mối quan hệ khăng khít giữa việc giải trừ quân bị và việc phát triển và sự tiến bộ trong lĩnh vực giải trừ quân bị sẽ thúc đẩy một cách đáng kể sự tiến bộ trong lĩnh vực phát triển; các nguồn nhân lực được giải phóng thông qua các biện pháp giải trừ quân bị cần phải được dồn cho việc phát triển kinh tế và xã hội, cũng như cho sự phồn vinh của tất cả các dân tộc, đặc biệt là cho các nước đang phát triển;

Công nhận rằng, con người là trung tâm của quá trình phát triển và do đó: chính sách phát triển cần phải đưa con người trở thành người tham gia chính và là người được hưởng thành quả của sự phát triển;

Công nhận rằng, việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các dân tộc và các cá nhân là trách nhiệm chính của các nhà nước;

Thấy rõ rằng, những cố gắng trên phạm vi quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cần phải được gắn liền với những cố gắng nhằm thiết lập nên một trật tự kinh tế thế giới mới;

Khẳng định, quyền phát triển là một quyền con người không thể phủ nhận và sự bình đẳng về cơ hội để phát triển là một đặc quyền của cả dân tộc và cả các cá nhân tạo dựng nên dân tộc đó;

Đưa ra Tuyên bố sau về Quyền phát triển:

Điều 1.

1. Quyền phát triển là một quyền con người không thể chia cắt, xuất phát từ ý nghĩa của quyền đó, mọi người và mọi dân tộc đều có quyền được tham gia vào, đóng góp cho và hưởng thụ thành quả từ sự phát triển về kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị, trong đó mọi quyền con người và các tự do cơ bản cần phải được thực hiện một cách đầy đủ.

2. Quyền con người được phát triển cũng nhắc tới việc thực hiện một cách đầy đủ quyền tự quyết của các dân tộc, theo các điều khoản có liên quan của cả hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người bao gồm việc thực hiện chủ quyền đầy đủ và không thể chia cắt của họ đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Điều 2.

1. Con người là trung tâm của sự phát triển và phải là người tham gia chính và được hưởng lợi từ sự phát triển.

2. Mọi người, cá nhân và tập thể, đều có một trách nhiệm đối với sự phát triển. Điều này có tính đến nhu cầu tôn trọng các quyền con người và các tự do cơ bản của họ cũng như trách nhiệm của họ trước cộng đồng riêng, bản thân cộng đồng cũng có thể đảm bảo sự thực hiện một cách tự do và đầy đủ của con người, và vì vậy, họ cần phải thúc đẩy và bảo vệ một trật tự chính trị xã hội và kinh tế thích hợp cho sự phát triển.

3. Các nhà nước có quyền và nghĩa vụ xây dựng các chính sách phát triển thích hợp của quốc gia nhằm cải thiện một cách thường xuyên và chắc chắn sự phồn vinh của toàn thể dân chúng và của tất cả các cá nhân, trên cơ sở sự tham gia một cách tích cực, tự do và có ý nghĩa của họ vào quá trình phát triển và vào sự phân phối công bằng những lợi ích thu được từ sự phát triển đó.

Điều 3.

1. Các nước có trách nhiệm chính trong việc tạo ra các điều kiện quốc gia và quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện quyền phát triển.

2. Việc thực hiện quyền phát triển yêu cầu sự tôn trọng một cách đầy đủ các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến các mối quan hệ và sự hợp tác thân thiện gìữa các nhà nước phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ