Dự thảo Tờ trình về dự án Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 04/09/2015
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /TTr-BTC

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2015

DỰ THẢO

 

 

TỜ TRÌNH

VỀ DỰ ÁN NGHỊ ĐỊNH VỀ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó quy định: Rà soát điều chỉnh tăng phí sử dụng và khai thác tài nguyên theo cấp độ gây ô nhiễm môi trường.

Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài chính. Sau khi nghiên cứu các ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã tổng hợp, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định và gửi xin ý kiến thẩm định của Bô Tư pháp. Bộ Tài chính xin trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (sau đây gọi tắt là Nghị định 74) như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH

Nghị định số 74/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kẻ từ ngày 01/01/2012. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 74 đã đạt được mục tiêu, yêu cầu khi xây dựng Nghị định, cụ thể là:

- Góp phần bảo đảm nguồn kinh phí cho các địa phương để đầu tư trở lại nhằm khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Số thu phí BVMT trong 3 năm: 2012, 2013 và 2014 đạt như sau:

+ Năm 2012: 2.137 tỷ đồng (trong đó, dầu thô và khí thiên nhiên: 693 tỷ);

+ Năm 2013: 2.495 tỷ đồng (trong đó, dầu thô và khí thiên nhiên: 659 tỷ);

+ Năm 2014: 2.571 tỷ đồng (trong đó, dầu thô và khí thiên nhiên: 614 tỷ);

- Nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế khai thác khoáng sản một cách tràn lan, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

- Khuyến khích sự quản lý của chính quyền ở địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản được chặt chẽ hơn; góp phần hạn chế lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của Luật bảo vệ môi trường năm 2014; Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ đã được nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quy định: Rà soát điều chỉnh tăng phí sử dụng và khai thác tài nguyên theo cấp độ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, một số nội dung cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể như sau:

1. Về Danh mục chịu phí BVMT

Danh mục khoáng sản chịu phí BVMT tại NĐ 74/2011/Đ-CP gồm 40 loại (14 loại khoáng sản kim loại và 26 loại khoáng sản không kim loại). Một số địa phương, doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung Danh mục, cụ thể như sau:

a) Trong Danh mục hiện hành, quặng fenspat được xếp vào nhóm đá quý (mức thu từ 50.000-70.000đ/tấn). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng fenspat  không phải là đá quý. Thực tế, fenspat chủ yếu được dùng làm vật liệu để sản xuất men gốm, sứ hoặc làm cốt khung sản phẩm trong sản xuất gốm, sứ.

- Trong Báo cáo kết quả giám sát hoạt động BVMT tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Đoàn giám sát của Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội kiến nghị cần điều chỉnh mức phí đối với fenspat để phù hợp với tính chất và thực tế khai thác loại khoáng sản này.

- Tại các cuộc Hội thảo về phí BVMT, một số địa phương như Phú yên, Lào cai...cũng cho rằng fenspat không phải là đá quý, chỉ là đá làm vật liệu có giá bán khoảng 600.000đ/tấn (loại A).

Vì vậy, cần đưa fenspat ra khỏi nhóm đá quý và điều chỉnh mức thu cho phù hợp.

b) Hiện nay có một số mỏ đang khai thác loại đá graphit, sericit. Tuy nhiên Danh mục hiện hành chưa có tên 2 loại đá này, do đó chưa có căn cứ để thu phí, dẫn đến khó khăn của cơ quan quản lý.

Vì vậy, cần bổ sung các loại khoáng sản này vào Danh mục chịu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế.

2. Về phương pháp tính và mức thu phí BVMT.

Qua hơn 3 năm thực hiện, một số địa phương phản ánh cách tính và mức thu phí chưa phù hợp với thực tiễn; chưa phù hợp với Luật BVMT và chủ trương của Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể:

a) Chưa tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường:

- Nghị định 74/2011/NĐ-CP hiện hành không quy định về phương pháp tính phí BVMT. Tại Thông tư số 158/2011/TT-BTC của BTC quy định cách tính phí theo công thức sau:

 

Phí BVMT (đồng)

 

=

Số lượng khoáng sản khai thác trong kỳ

(tấn hoặc m3)

 

x

Mức phí tương ứng

(đồng/tấn hoặc đồng/m3)

Trong đó, số lượng khoáng sản khai thác là số lượng (quặng) khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí.

[...]