Tờ trình số 1577/TTr-BTM ngày 26/04/2002 của Bộ Thương mại về Tờ trình Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn thời kỳ 2001-2010

Số hiệu 1577/TTr-BTM
Ngày ban hành 26/04/2002
Ngày có hiệu lực 26/04/2002
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Vũ Khoan
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1577/TTr-BTM

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2002

 

TỜ TRÌNH

VỀ QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC TỔ CHỨC THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC, TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN THỜI KỲ 2001 - 2010

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH

Việc xây dựng đề án Tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 là nhu cầu bức xúc nhằm định hướng mới về tổ chức, phương thức kinh doanh cùng các giải pháp về cơ chế, chính sách, từ đó góp phần tiêu thụ ngày càng nhiều nông sản hàng hóa, tăng sức mua ở thị trường nông thôn, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường cả nước lên một trình độ mới.

Chính vì vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành có liên quan và 56 tỉnh, thành phố, sau đó hoàn chỉnh đề án và đã trình Thủ tướng Chính phủ (Tờ trình số 551/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 7 tháng 2 năm 2002). Sau đó, đề án tiếp tục được hoàn chỉnh theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại công văn số 1376/VPCP-KTTH ngày 20/3/2002.

Do đề án có phạm vi rộng, nội dung đề cập đến nhiều vấn đề, lĩnh vực và thời gian thực hiện trong 10 năm nên mục tiêu, chủ trương và nhiều giải pháp là những vấn đề chung nhất, có ý nghĩa chiến lược. Để thực hiện đề án, cần phải xây dựng những đề án nhánh và những văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nêu trong đề án. Do vậy, việc ban hành quyết định phê duyệt những nội dung chủ yếu của đề án với các mục tiêu, định hướng và hệ thống giải pháp phát triển thị trường trong nước đến 2010, tập trung phát triển thương mại nông thôn từ nay đến 2005 là rất quan trọng, cần thiết và mang tính cấp bách.

II. KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA QUYẾT ĐỊNH

Quyết định gồm 4 điều:

- Điều 1 phê duyệt những nội dung chủ yếu của đề án bao gồm: Mục tiêu phát triển thị trường trong nước đến 2010; định hướng cấu trúc lại các hệ thống thương nhân trên phạm vi thị trường trong nước đến 2010; trên cơ sở đó đề ra định hướng phát triển thương mại nông thôn, trọng tâm là 5 năm tới, với các mục tiêu cụ thể, mô hình tổ chức thương mại nông thôn và các giải pháp chủ yếu phát triển thương mại nông thôn, tập trung vào các giải pháp thiết thực như xử lý thoả đáng mọi quan hệ giữa thị trường nông sản trong nước và thị trường nông sản ngoài nước; chính sách khuyến khích và hỗ trợ thương nhân kinh doanh trên địa bàn nông thôn; đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả của các hình thái tổ chức kinh doanh thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của thương mại quốc doanh và thương mại HTX, đồng thời phát triển các loại hình thương nhân thuộc các thành phần kinh tế khác.

- Điều 2 quy định về tổ chức thực hiện đề án như thành lập Ban Chỉ đạo, các  bước tiến hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án (theo kế hoạch kèm theo quyết định này).

- Điều 3 quy định hiệu lực thi hành của quyết định.

- Điều 4 quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thi hành Quyết định này.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN CÓ NHỮNG Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Về cấu trúc của quyết định, có ý kiến đề nghị không nên tách thương mại nông thôn thành một phần riêng. Bộ Thương mại cho rằng, hiện tại Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển thị trường và thương mại nông thôn, một mặt góp phần thúc đẩy quá trình đó, mặt khác tạo điều kiện để khắc phục những tồn tại, yếu kém của thị trường và thương mại trong nước hiện nay. Đa số ý kiến tham gia xây dựng đề án cũng đã nhất trí với cấu trúc trên. Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị Chính phủ cho giữ nguyên cấu trúc của quyết định.

2. Về hệ thống giải pháp

- Số ít ý kiến đề nghị bổ sung thêm những giải pháp liên quan đến sản xuất nông nghiệp vì muốn phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa phải có những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao. Bộ Thương mại cho rằng có rất nhiều giải pháp liên quan đến thị trường trong nước nhưng thiết thực nhất là tập trung vào một số giải pháp chủ yếu, liên quan nhiều đến chức năng, nhiệm vụ của ngành thương mại.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm giải pháp về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Thương mại cho rằng hiện tại Luật Thương mại đang được sửa đổi, bổ sung (trong đó có những quy định về quản lý thị trường) và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. Trước mắt, lực lượng quản lý thị trường vẫn hoạt động theo các quy định hiện hành.

- Về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thương nhân hoạt động ở địa bàn nông thôn, trong thời gian qua, một số chính sách quan trọng liên quan đến nông nghiệp, hàng hóa và thương nhân ở địa bàn nông thôn đã được Bộ Thương mại và một số bộ, ngành khác đề nghị như chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại nông thôn; chính sách bán trả góp, trả chậm vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển đại lý và mạng lưới bán lẻ ở địa bàn nông thôn v.v... nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, Bộ Thương mại tiếp tục kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách nêu trên, trên cơ sở những quy định của quyết định này.

Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định phê duyệt đề án và cho ý kiến chỉ đạo thực hiện.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Vũ Khoan