Thông tư liên tịch 90/1997/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi do Bộ Tài Chính-Bộ Công Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn ban hành

Số hiệu 90/1997/TTLT-BTC-BNN
Ngày ban hành 19/12/1997
Ngày có hiệu lực 19/12/1997
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng,Vũ Trọng Hồng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90/1997/TTLT-BTC-BNN

Hà Nội , ngày 19 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 90/1997/TTLT-TC-NN NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH TRONG LĨNH VỰC KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 20/4/1995; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 31/8/1994; Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 06-TC/TCDN ngày 24/2/1997 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích theo các quy định tại Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ.
Do đặc thù về tính chất hoạt động và cơ chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp hoạt dộng trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; ngoài việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 06-TCTCDN ngày 24/2/1997 của Bộ Tài chính, Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể thêm một số vấn đề về chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi (gọi tắt là doanh nghiệp thuỷ nông): bao gồm các doanh nghiệp hạch toán độc lập do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập theo các tiêu thức được quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 56/CP ngày 2/10/1996 của Chính phủ.

2. Doanh nghiệp thuỷ nông thực hiện dịch vụ tưới tiêu theo nhiệm vụ được giao hoặc đặt hàng; được thu thuỷ lợi phí và một số khoản thu khác theo quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp thuỷ nông được Nhà nước giao vốn, tài nguyên, đất đai, và các nguồn lực khác, có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn giao, có quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về hoạt động theo nhiệm vụ nhà nước giao trong phạm vi vốn và tài sản do doanh nghiệp quản lý theo phương thức lấy thu bù chi được Nhà nước hỗ trợ tài chính trong các trường hợp như Điều 11 của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi quy định.

3. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu, các doanh nghiệp thuỷ nông được tận dụng đất đai, cảnh quan, vốn và tài sản Nhà nước do doanh nghiệp quản lý để tổ chức hoạt động kinh doanh bổ sung ngành nghề phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường với điều kiện:

- Phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản.

- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu mà Nhà nước đã giao hoặc đặt hàng.

- Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành.

- Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh bổ sung.

- Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với phần hoạt động kinh doanh bổ sung theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp thuỷ nông được áp dụng một số chính sách tài chính:

- Ưu tiên đầu tư vốn, cấp một phần hoặc toàn bồ vốn điều lệ, cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ bằng các nguồn tài trợ chính thức cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực khai thác công trình thuỷ lợi.

- Được miễn trích khấu hao cơ bản đối với các công trình xây đúc và bằng đất, máy bơm có công suất 8.000 m3/h trở lên như quy định hiện hành cùng với tài sản vật kiến trúc gắn liền với việc sử dụng, vận hành các loại máy bơm đó và một số tài sản khác theo Quyết định số 1062/TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ Tài chính.

- Không phải nộp tiền thuế sử dụng đất đối với phần diện tích đất mà Nhà nước giao để xây dựng và bảo vệ công trình thuỷ lợi (bao gồm cả nhà quản lý các trạm, cụm công trình đầu mối, nhà xưởng, kho tàng để phục vụ khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi). Trường hợp doanh nghiệp thuỷ nông sử dụng diện tích đất đó để dùng vào kinh doanh dịch vụ thì phải trả tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ.

- Không phải nộp thuế doanh thu đối với tiền thu thuỷ lợi phí từ các hoạt động trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Không phải nộp thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

5. Doanh nghiệp thuỷ nông chịu sự kiểm tra giám sát về mặt tài chính của cơ quan tài chính với tư cách là đại diện chủ sở hữu về vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo uỷ quyền của Chính phủ.

II. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN

1. Đầu tư vốn:

1.1. Doanh nghiệp thuỷ nông mới thành lập được Nhà nước ưu tiên đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ ban đầu, không thấp hơn vốn pháp định quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ, phù hợp với quy mô nhiệm vụ tưới tiêu được giao. Doanh nghiệp có trách nhiệm không ngừng bảo toàn phát triển vốn từ kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp thuỷ nông được Nhà nước đầu tư vào các công trình, tài sản, máy móc thiết bị thuộc diện không phải trích khấu hao để xây dựng, mua sắm đổi mới nâng cấp khi những tài sản này không sử dụng được nữa; hoặc được cấp bổ sung vốn khi Nhà nước thấy cần thiết phải đầu tư hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao bổ sung hoặc thực sự thiếu vốn so với nhiệm vụ tưới tiêu được giao (sau khi đã huy động các nguồn vốn hiện có tại doanh nghiệp). Nguồn vốn đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đang hoạt động bao gồm:

- Đối với doanh nghiệp có lãi được xét giảm thuế lợi tức để bổ sung vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh không có lãi hoặc doanh nghiệp sau khi xét giảm thuế lợi tức vẫn thiếu vốn thì được Nhà nước đầu tư xem xét bổ sung vốn.

1.2. Cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp thuỷ nông và cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bảo đảm vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ và bổ sung vốn cho doanh nghiệp.

1.3. Thủ tục đầu tư vốn:

a. Đối với đầu tư xây dựng: Doanh nghiệp thuỷ nông được Nhà nước đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp thuỷ nông, sửa chữa lớn công trình, máy móc thiết bị, khôi phục lại các công trình không phải trích khấu hao bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo các quy định của Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.

b. Đối với việc đầu tư bổ sung vốn kinh doanh: Doanh nghiệp phải lập hồ sơ đề nghị cấp bổ sung vốn bao gồm:

[...]