Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 1994

Số hiệu 36-L/CTN
Ngày ban hành 31/08/1994
Ngày có hiệu lực 31/08/1994
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Lê Đức Anh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-L/CTN

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 1994

 

LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 36-L/CTN NGÀY 10-9-1994 CÔNG BỐ PHÉP LỆNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI (TRÍCH)

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội,

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 31 tháng 8 năm 1994.

 

 

CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCNVN




Lê Đức Anh

 

PHÁP LỆNH

KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc khai thác, tu bổ, bảo vệ công trình thuỷ lợi nhằm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an toàn xã hội và an ninh quốc gia;
Căn cứ vào Điều 17 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Pháp lệnh này áp dụng đối với những công trình thuỷ lợi đã xây dựng và được đưa vào khai thác.

Việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi có liên quan đến đê điều, công trình phòng, chống lụt, bão, công trình thuỷ điện, công trình cấp, thoát nước cho đô thị phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này và các quy định của pháp luật về đê điều, về phòng, chống lụt, bão, về công trình thuỷ điện và về cấp, thoát nước cho đô thị.

Điều 2

Trong Pháp lệnh này, các thuận ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Công trình thuỷ lợi" là cơ sở kinh tế - kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác nguồn lợi của nước; phòng, chống tác hại của nước và bảo vệ môi trường sinh thái; bao gồm: hồ chứa, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại;

2- "Hệ thống công trình thuỷ lợi" bao gồm các công trình thuỷ lợi có liên quan trực tiếp với nhau về mặt khai thác và bảo vệ trong một khu vực nhất định;

3- "Hộ dùng nước" là cá nhân, tổ chức được hưởng lợi hoặc làm dịch vụ từ công trình thuỷ lợi do doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi trực tiếp phục vụ trong việc tưới nước, tiêu nước, cải tạo đất, phát điện, nuôi trồng thuỷ sản, giao thông vận tải, du lịch, nghiên cứu khoa học, cấp nước cho công nghiệp và dân sinh;

4- "Thuỷ lợi phí" là một phần phí dịch vụ về nước của công trình thuỷ lợi, để góp phần chi phí cho công tác tu bổ, vận hành và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 3

Công trình thuỷ lợi được xây dựng từ mọi nguồn vốn đều phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phải chỉ rõ tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm khai thác và bảo vệ.

Điều 4

Nhà nước có chính sách khuyến khích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đầu tư vốn, nghiên cứu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào việc xây dựng bổ sung, tu bổ, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 5

[...]