Nghị quyết số 73/2006/NQ-QH11 về việc điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn 2006-2010 do Quốc Hội ban hành

Số hiệu 73/2006/NQ-QH11
Ngày ban hành 29/11/2006
Ngày có hiệu lực 13/01/2007
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73/2006/NQ-QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG TRONG GIAI ĐOẠN 2006-2010

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH 10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã qua 8 năm thực hiện đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong qúa trình thực hiện dự án vẫn còn một số khuyết điểm cần sớm khắc phục, đó là: chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện nên dự án bị chậm tiến độ, hiệu quả kinh tế chưa cao, ảnh hưởng tới nhiệm vụ mà dự án đề ra. Những khuyết điểm này cần được Chính phủ, các cấp, các ngành nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu của dự án.

Điều 2. Điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trong giai đoạn 2006-2010 như sau:

1. Bảo vệ có hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên, trong đó khoán bảo vệ rừng phòng hộ và rừng đặc dụng mỗi năm 1,5 triệu ha.

2. Trồng mới 1.000.000 ha, trong đó 250.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (bình quân mỗi năm trồng 50.000 ha), 750.000 ha rừng sản xuất (bình quân mỗi năm trồng 150.000 ha).

3. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 803.000ha, trong đó khoanh nuôi chuyển tiếp 403.000ha, khoanh nuôi mới 400.000ha.

4. Tổng dự toán vốn đầu tư là 14.653 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách là 4.515 tỷ đồng, vốn vay và nguồn vốn khác phục vụ trồng rừng sản xuất là 9.000 tỷ đồng (có phụ lục kèm theo).

5. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2006 - 2010 đã được điều chỉnh, Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn và điều hành chương trình bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia để đạt mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng.

Điều 3. Quốc hội giao Chính phủ:

1. Chỉ đạo chặt chẽ các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án đã được điều chỉnh trong giai đoạn 2006- 2010.

2. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát lại quy hoạch chi tiết diện tích từng loại rừng trong giai đoạn 2006-2010; tính toán nhu cầu về độ che phủ rừng toàn quốc để bảo đảm an toàn sinh thái, chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp làm giàu rừng tự nhiên, đặc biệt đối với rừng kém chất lượng bằng việc trồng các loại cây rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

3. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng cho hộ gia đình, cá nhân và các thành phần kinh tế, quyền sử dụng rừng cho cộng đồng dân cư; sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh thành những đơn vị kinh tế đủ mạnh để phát triển lâm nghiệp.

4. Điều chỉnh cơ chế, chính sách đầu tư và tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển rừng sản xuất trên cơ sở tính toán nhu cầu sử dụng gỗ; có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản,giảm chi phí lưu thông lâm sản, điều chỉnh suất đầu tư cho bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất bảo đảm cho các địa phương vận dụng linh hoạt cho các dự án cụ thể. Có cơ chế, chính sách hưởng lợi phù hợp trong việc bảo vệ, phát triển rừng và bảo đảm một phần lương thực cho đồng bào làm nghề rừng ở vùng có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, vùng rừng đầu nguồn các con sông và các công trình thủy điện, thủy lợi lớn.

5. Bảo đảm chỉ đạo tập trung, thống nhất, tăng cường sự phối hợp, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và đề cao vai trò của nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Dự án.

6. Tích cực phòng ngừa, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng và các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

7. Hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án.

Điều 4. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện dự án.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng