Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 39/2011/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 39/2011/TTLT-BYT-BTC
Ngày ban hành 11/11/2011
Ngày có hiệu lực 26/12/2011
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên,Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ - BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 39/2011/TTLT-BYT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỦ TỤC THANH TOÁN CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ BỊ TAI NẠN GIAO THÔNG

Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật giao thông đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật giao thông đường thủy ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế,

Liên Bộ Y tế- Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông như sau:

Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông, trong khi chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra, khi đi khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.

2. Khi có đủ căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn gây ra hoặc trường hợp bị tai nạn giao thông nhưng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, người bị tai nạn không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho quỹ bảo hiểm y tế.

3. Các trường hợp được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định mà không phải thực hiện việc xác định hành vi vi phạm pháp luật về giao thông theo quy định tại Điều 2 Thông tư này:

a) Trẻ em dưới 14 tuổi;

b) Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.

Điều 2. Trình tự, thủ tục và trách nhiệm trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật về giao thông

1. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông:

Người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông khi đi khám bệnh, chữa bệnh, ngoài việc xuất trình thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định chung, phải cung cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các thông tin liên quan, gồm: Họ và tên; ngày sinh; nơi cư trú; thời gian, nơi xảy ra tai nạn và nguyên nhân bị tai nạn giao thông (nếu có).

Trường hợp người bị tai nạn hôn mê, không cung cấp được các thông tin trên thì thân nhân hoặc người đưa người bị tai nạn vào viện có trách nhiệm cung cấp các thông tin mà mình biết được về vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với người bị tai nạn.

Trường hợp đã có một trong các tài liệu quy định tại Điều 3 Thông tư này, thì người bị tai nạn hoặc thân nhân người bị tai nạn phải cung cấp ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo chế độ quy định.

2. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận người bị tai nạn:

Hằng ngày, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp danh sách người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông đến khám bệnh, chữa bệnh hoặc cấp cứu trong ngày (theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) để chuyển cho cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc nhân viên của cơ quan Bảo hiểm xã hội thường trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội:

a) Trong phạm vi 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được danh sách người có thẻ bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển đến, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác minh hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn cho lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan công an) của nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông (theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm Thông tư này).

Trường hợp người bị tai nạn hoặc thân nhân người bị tai nạn đã cung cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội một trong các tài liệu quy định tại Điều 3 Thông tư này hoặc trường hợp người bị tai nạn đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội trước đó đã có văn bản yêu cầu xác minh thì không phải gửi văn bản đề nghị xác minh lại.

b) Trường hợp sau 03 tháng, kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi văn bản đề nghị xác minh theo quy định tại điểm a khoản này nhưng vẫn chưa nhận được thông báo của cơ quan công an hoặc nhận được thông báo chưa hoặc không xác minh được tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã sử dụng như đối với trường hợp bị tai nạn không vi phạm pháp luật về giao thông.

Điều 3. Căn cứ để thanh toán hoặc không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông

Cơ quan Bảo hiểm xã hội căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây để quyết định việc thanh toán hoặc không thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông:

1. Bản phô tô biên bản giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan công an.

[...]