Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 3320/1997/TTLT-QP-NG hướng dẫn Nghị định 55/CP về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Quốc phòng - Bộ Ngoại giao ban hành

Số hiệu 3320/1997/TTLT-QP-NG
Ngày ban hành 11/12/1997
Ngày có hiệu lực 26/12/1997
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại giao,Bộ Quốc phòng
Người ký Nguyễn Duy Niên,Trần Hanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ NGOẠI GIAO-BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3320/1997/TTLT-QP-NG

Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 1997

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - NGOẠI GIAO SỐ 3320/1997/TTLT-QP-NG NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/CP NGÀY 01/10/1996 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI VÀO THĂM NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Ngày 01/10/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/CP về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý quan trọng góp phần tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nước ta với các nước nói chung, giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân đội các nước, các tổ chức quân sự quốc tế nói riêng, là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và tăng cường quản lý các vùng biển, các cảng của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để quản lý các hoạt động của tàu quân sự nước ngoài và các thành viên trên tàu, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thống nhất hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 55/CP như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu trong Nghị định 55/CP bao gồm: tàu nổi, tàu ngầm, tàu bổ trợ thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia hay một tổ chức quân sự quốc tế được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép đến cảng Việt Nam.

2- Các chuyến thăm bao gồm:

a) Thăm chính thức là chuyến thăm do Nguyên thủ quốc gia đến thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng tàu quân sự để đáp lại lời mời của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Thăm xã giao là chuyến thăm nhằm duy trì, phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và lực lượng quân đội hai nước hoặc giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tổ chức quân sự quốc tế hoặc các chuyến thăm mà hai bên thoả thuận không thuộc các chuyến thăm quy định tại mục a của điểm này.

c) Thăm thông thường là chuyến thăm nhằm huấn luyện, diễn tập quân sự hoặc tiến hành các công việc khác theo quy định của Hiệp định đã được ký kết giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quân sự quốc tế có tàu đến thăm (nếu Hiệp định không có quy định khác) hay các chuyến thăm nhằm cung cấp, tiếp nhận vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm hoặc cho thuỷ thủ nghỉ ngơi.

3- Tàu quân sự nước ngoài và các thành viên trên tàu đến thăm Việt Nam phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia và thực hiện những nội dung mà hai bên đã thoả thuận cho chuyến thăm, đồng thời phải tuân theo sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành của Việt Nam.

II- THỦ TỤC XIN PHÉP ĐẾN CẢNG VIỆT NAM

1- Về thủ tục:

a) Đối với chuyến thăm chính thức: Chậm nhất 15 ngày trước ngày dự kiến tàu vào cảng, quốc gia, tổ chức quân sự quốc tế có đoàn tàu đến thăm phải thông báo cho Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam những nội dung liên quan đến chuyến thăm mà hai bên đã thoả thuận.

b) Thời gian xin phép cho đoàn đến thăm bằng tàu quân sự nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quân sự quốc tế liên quan thực hiện theo các quy định trong Hiệp định nêu trên.

c) Đối với chuyến thăm xã giao, thăm thông thường (trừ trường hợp nêu tại mục b) quốc gia, tổ chức quân sự quốc tế có đoàn đến thăm bằng tàu quân sự phải có Công hàm cùng tờ khai gửi đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước sở tại chậm nhất 30 ngày trước ngày dự kiến tàu vào cảng.

d) Nội dung tờ khai theo mẫu kèm theo.

e) Sau khi được phép vào thăm, 48 giờ trước khi tàu đi vào lãnh hải Việt Nam, quốc gia, tổ chức quân sự quốc tế hoặc Trưởng đoàn/Thuyền trưởng phải thông báo cho Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng để tổ chức đón tiếp, đồng thời giữ liên lạc với Cảng vụ nơi tàu đến theo tần số liên lạc đã thoả thuận. Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để phối hợp chỉ đạo việc tổ chức đón tiếp.

Trường hợp trên tàu có sự thay đổi về nội dung đã được thoả thuận trước trong tờ khai thì Trưởng đoàn/Thuyền trưởng phải thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (nếu là chuyến thăm chính thức) hoặc thông báo cho Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng (đối với các chuyến thăm thông thường, chuyến thăm xã giao) giải quyết trước khi tàu vào cảng.

g) Khi đến lãnh hải để vào cảng Việt Nam, tàu quân sự nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Điều 7 Nghị định 55/CP và quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng Việt Nam và các khu vực hàng hải.

2- Khi tàu quân sự nước ngoài vào cảng, sỹ quan liên lạc của tàu phải liên lạc với sỹ quan liên lạc của Ban tổ chức đón tiếp tại cảng để thống nhất các hoạt động lễ tân. Riêng tàu thực hiện chuyến thăm thông thường, ghé đậu kỹ thuật; sỹ quan liên lạc của tàu cần liên hệ với Cảng vụ để đảm bảo các yêu cầu theo nội dung đã được thoả thuận trước.

III- HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU VÀ CÁC THÀNH VIÊN TRÊN TÀU

1- Hoạt động của tàu tại cảng Việt Nam:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, sự hướng dẫn của Cảng vụ về địa điểm làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh; việc đi lại, neo đậu, cập cầu cảng, rời cầu cảng, cập mạn, bốc dỡ và tiếp nhận hàng hoá; về thông tin liên lạc, an ninh trật tự, phòng cháy nổ, ô nhiễm môi trường... trong thời gian tàu thực hiện chuyến thăm.

b) Khi neo đậu tại cảng, việc sử dụng các phương tiện khác trên tàu để đi lại phải được sự đồng ý của Trưởng ban tổ chức đón tiếp; trưởng ban tổ chức đón tiếp sẽ thông báo ngay cho Cảng vụ và Đồn biên phòng cửa khẩu cảng biết.

c) Mọi hoạt động của tàu phải thực hiện thống nhất theo chương trình đã thoả thuận; nếu có vấn đề phát sinh Trưởng đoàn/Thuyền trưởng phải thông báo Trưởng ban tổ chức đón tiếp để xin chấp thuận.

2- Hoạt động của các thành viên trên tàu:

a) Thành viên trên tàu chỉ được đi bờ sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh; Đồn biên phòng cửa khẩu cảng căn cứ vào đơn xin đi bờ của Trưởng đoàn/Thuyền trưởng để cấp giấy phép đi bờ cho các thành viên của đoàn. Khi đi bờ các thành viên đi theo đoàn, nhóm; quân nhân phải mang quân phục; không được mang theo vũ khí, (trừ trường hợp diễu binh, diễn tập theo chương trình kế hoạch) và phải chịu sự hướng dẫn của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng và các cơ quan chức năng tại địa phương.

[...]