BỘ
NỘI VỤ-BỘ QUỐC PHÒNG-TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2708-TT/LT
|
Hà
Nội , ngày 14 tháng 10 năm 1997
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ BỘI VỤ - TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 2708-TT/LT
NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 09-CP NGÀY 12-2-1996
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
Căn cứ Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 12-11-1996;
Căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 09/CP ngày 12-2-1996 của Chính phủ về chế độ quản lý, sử
dụng đất quốc phòng, an ninh;
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc thực hiện Nghị
định 09/CP như sau:
Phần thứ
nhất:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này
hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 09/CP ngày 12-2-1996 của Chính phủ về chế độ
quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
2. Đất quốc
phòng, an ninh là đất chuyên dùng, được Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân
dân sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại khoản 1 Điều 65 của
Luật Đất đai và khoản 2 Điều 2 của Nghị định 09/CP.
3. Đất sử dụng
làm các công trình công nghiệp, khoa học, kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh
như sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang thiết bị và đồ dùng chuyên dụng
cho quốc phòng, an ninh hoặc đất thuộc các công trình này có kết hợp một phần
phục vụ kinh tế xã hội do các đơn vị, xí nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng là
đất quốc phòng, an ninh.
4. Đất sử dụng
của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chuyên làm kinh tế sản xuất, kinh
doanh các sản phẩm dân dụng phục vụ dân sinh, làm nhà hàng, khách sạn, đất đã
chuyển mục đích sang liên doanh với nước ngoài để làm kinh tế và đất làm nhà ở
gia đình quân nhân không phải là đất quốc phòng, an ninh.
5. Đơn vị vũ
trang nhân dân được Nhà nước giao đất qui định tại Điều 4 của Nghị định 09/CP
là đơn vị đứng tên trong quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, bao gồm:
a. Đối với đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng gồm: Các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Bộ tư lệnh
Biên phòng, Học viện, Nhà trường trực thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị
trực thuộc Bộ Quốc phòng. Dưới đây gọi chung là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc
phòng.
Bộ Chỉ huy Quận sự tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương cũng là đơn vị được đứng tên trong quyết định giao đất và
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b. Đối với đơn vị thuộc Bộ Nội vụ
gồm: Các Tổng cục, Nhà trường, Học viện trực thuộc Bộ Nội vụ, Cục quản lý và cải
tạo phạm nhân, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dưới đây gọi
chung là đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ.
Các đơn vị đứng tên trong quyết
định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đơn vị trực tiếp sử dụng
đất phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đất
đai.
Phần thứ
hai:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. VIỆC QUY
HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH.
A. QUY HOẠCH,
KẾ HOẠCH CHUNG.
1. Bộ Quốc phòng lập quy hoạch,
kế hoạch chung về sử dụng đất quốc phòng, trên phạm vi cả nước và trên địa bàn
từng Quân khu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Nội vụ lập quy hoạch, kế hoạch
chung về sử dụng đất an ninh trên phạm vi cả nước và trên địa bàn từng tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Nội dung quy hoạch, kế hoạch
chung bao gồm: xác định số địa điểm đóng quân hoặc địa điểm xây dựng công trình
cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xác định tổng diện tích đất quốc phòng, an
ninh và phân rõ mục đích sử dụng từng loại đất cụ thể theo quy định tại khoản 1
Điều 65 Luật Đất đai và khoản 2 Điều 2 Nghị định 09/CP; xác định số địa điểm sử
dụng đất và diện tích chuyển giao cho địa phương.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ làm
việc với uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh trên từng địa phương. Tổng
cục Địa chính tổ chức thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
B. QUY HOẠCH,
KẾ HOẠCH CHI TIẾT.
1. Quyết định
đóng quân, địa điểm công trình:
a. Đơn vị sử dụng đất, hoặc địa
điểm xây dựng công trình quốc phòng, an ninh phải có quyết định đóng quân hoặc
quyết định địa điểm công trình của cấp có thẩm quyền được quy định tại điểm 3
khoản B mục I Thông tư này.
b. Quyết định vị trí đóng quân,
địa điểm công trình ghi rõ tên đơn vị đóng quân hoặc tên công trình, địa điểm
khu đất, diện tích đất và mục đích sử dụng.
c. Bản vẽ kèm theo quyết định là
sơ đồ mặt bằng và ranh giới khu đất có tỷ lệ quy định tại điểm 3, mục II của
Thông tư này, có trích lục bản đồ vị trí khu đất tỷ lệ 1/25.000 đến 1/50.000.
Sơ đồ mặt bằng và ranh giới khu đất có thể được can vẽ từ bản đồ địa chính hoặc
do các đơn vị đo đạc trong quân đội, công an đo vẽ.
2. Căn cứ vào
quy hoạch, kế hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quyết định
đóng quân, địa điểm công trình của cấp có thẩm quyền, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết về sử dụng đất thuộc phạm vi
mình quản lý, sử dụng.
Nội dung quy hoạch, kế hoạch chi
tiết gồm: xác định cụ thể ranh giới, diện tích và phân khu chức năng sử dụng đất
của từng đơn vị sử dụng đất; dự kiến biến động và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch
sử dụng đất trong từng thời kỳ cho phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Quy hoạch, kế hoạch chi tiết được
thể hiện trên bản đồ địa chính khu đất có tỷ lệ quy định tại điểm 3 mục II
Thông tư này. Tên bản đồ là "Bản đồ quy hoạch, phân khu chức năng sử dụng
đất".
3. Thẩm quyền
xét duyệt quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất và quyết định đóng quân, địa
điểm công trình:
a. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét
duyệt quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất của các đơn vị thuộc Bộ Quốc
phòng.
Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc
phòng quyết định vị trí đóng quân, địa điểm công trình cho các đơn vị từ cấp
trung đoàn bộ binh, cấp tiểu đoàn binh khí kỹ thuật và tương đương trở lên. Thủ
trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quyết định vị trí đóng quân, địa điểm
công trình cho các đơn vị từ cấp tiểu đoàn bộ binh, cấp đại đội binh khí kỹ thuật
và tương đương trở xuống.
b. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét duyệt
quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất và vị trí đóng quân, địa điểm công
trình cho các đơn vị trong toàn lực lượng Công an nhân dân.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của
các đơn vị thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thoả
thuận với Bộ Nội vụ.
II. VIỆC ĐO ĐẠC
ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Việc đo đạc đất quốc phòng,
an ninh phải thực hiện theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật do Tổng cục Địa
chính ban hành. Đối với các công trình quốc phòng, an ninh cần bảo đảm yêu cầu
bí mật thì chỉ đo đạc đường ranh giới và các điểm mốc cần thiết trong khu đất để
có thể ghép nối phù hợp với bản đồ địa chính của địa phương.
Những loại đất sau đây được phép
đo đạc toàn bộ hiện trạng khu đất: đất sử dụng cho các bệnh viện, nhà an dưỡng,
công trình văn hoá, thể thao.
2. Việc đo đạc đất quốc phòng,
an ninh để lập bản đồ địa chính khu đất phục vụ cho việc giao đất, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh do các cơ quan, đơn vị
có tư cách pháp nhân về khảo sát đo đạc của các Bộ ngành của Trung ương (kể cả
của quân đội và công an) và địa phương thực hiện và phải được Sở Địa chính xác
nhận.
3. Tỷ lệ bản đồ địa chính phục vụ
cho việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh
được quy định như sau:
a. Diện tích khu đất dưới 1 ha:
tỷ lệ 1/500.
b. Diện tích khu đất từ 1 ha -
10 ha: tỷ lệ 1/1.000.
c. Diện tích khu đất từ 10ha -
200 ha: tỷ lệ 1/2.000.
d. Diện tích khu đất từ 200 ha -
500 ha: tỷ lệ 1/5.000.
e. Diện tích khu đất trên 500
ha: tỷ lệ 1/10.000.
III. VIỆC CẤP
GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh gồm có:
- Đơn xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất.
- Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng trên địa bàn Quân khu, đất an ninh trên
địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Quyết định đóng quân hoặc địa
điểm công trình của cấp có thẩm quyền.
- Bản đồ xác định ranh giới đất
thuộc quyền sử dụng đất của đơn vị đã được Uỷ ban nhân cấp xã, cấp huyện sở tại
xác nhận.
2. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh như sau:
a. Đơn vị sử dụng đất quốc phòng,
an ninh sau khi lập xong hồ sơ quy định tại điểm 1 mục III Thông tư này thì gửi
cho Sở Địa chính 2 bộ hồ sơ.
b. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ
khi nhận đủ hồ sơ quy định, Sở Địa chính có trách nhiệm xem xét hồ sơ và trình
Uỷ ban nhân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị.
c. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ
khi Sở Địa chính trình hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định.
3. Tên chủ sử dụng đất trong giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất được viết như sau:
- Viết tên đơn vị trực thuộc Bộ
Quốc phòng hoặc Bộ Nội vụ trước, sau đó viết tên đơn vị trực tiếp sử dụng đất
trong ngoặc đơn.
- Ví dụ: Quân khu I hoặc Tổng Cục
Hậu cần/Bộ Nội vụ
(Sư đoàn.....) (Kho........)
4. Trường hợp khu đất có diện
tích lớn, không thể hiện được đầy đủ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
thì Sở Địa chính có trách nhiệm trích lục bản đồ (3 bản) kèm giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho đơn vị.
5. Trường hợp các đơn vị vũ
trang nhân dân đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đất sử dụng vào mục
đích quốc phòng, an ninh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị đó.
IV. VIỆC THU
HỒI ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Nhà nước thu hồi đất quốc
phòng, an ninh trong các trường hợp sau:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ sau
khi rà soát lại quy hoạch đề nghị trả lại Nhà nước diện tích đất không còn nhu
cầu sử dụng.
b. Đất quốc phòng, an ninh đã được
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ có văn bản chuyển lại để địa phương thực hiện các dự
án phát triển kinh tế - xã hội.
c. Đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng
đất vi phạm quy định tại Điều 26 của Luật Đất đai, UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương kiến nghị với Chính phủ thu hồi.
2. Thẩm quyền quyết định thu hồi
đất quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 và
Nghị định 09/CP ngày 12-2-1996 của Chính phủ.
3. Cấp có thẩm quyền thu hồi đất
quốc phòng, an ninh nêu tại điểm 2 mục này là cấp ra thông báo thu hồi đất, thời
hạn thông báo trước khi ra quyết định thu hồi là 6 tháng.
4. Trình tự, thủ tục thu hồi đất:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ,
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền
theo quy định tại điểm 2 mục IV của Thông tư này ra quyết định thu hồi đất.
b. Khi có quyết định thu hồi và
giao đất của cấp có thẩm quyền, tổ chức được nhận đất đó có trách nhiệm làm việc
với đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đang quản lý sử dụng đất bị thu
hồi về việc đền bù tài sản, hoa màu trên đất (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ có văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ
Nội vụ về việc đền bù nói trên.
c. Căn cứ quyết định thu hồi đất,
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thực hiện chuyển giao đất cho người được nhận đất, tiến
hành bàn giao mốc giới trên thực địa, có sự chứng kiến của đại diện các cấp
chính quyền địa phương sở tại.
V. VIỆC CHUYỂN
MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ XIN GIAO ĐẤT MỚI.
1. Chuyển đất quốc phòng, an
ninh để sử dụng vào mục đích khác trong các trường hợp sau đây:
a. Chuyển sang làm kinh tế hoặc
liên doanh, liên kết với các tổ chức trong nước, nước ngoài với mục đích kinh
doanh.
b. Chuyển sang làm đất ở.
c. Trả đất cho địa phương.
2. Việc chuyển đất quốc phòng,
an ninh để sử dụng vào mục đích nêu tại điểm 1 nói trên và kế hoạch xin đất mới
hàng năm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển
kinh tế, xã hội và yêu cầu quốc phòng, an ninh ở địa phương và được tiến hành
như sau:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập
kế hoạch chuyển đất quốc phòng, an ninh sang sử dụng vào mục đích khác và kế hoạch
xin đất mới gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương có văn bản trả lời Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đồng báo
cáo Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan đến kế hoạch chuyển đất quốc
phòng, an ninh sang mục đích khác và kế hoạch xin đất mới của Bộ Quốc phòng, Bộ
Nội vụ.
c. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổng
hợp kế hoạch chuyển đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác và kế hoạch xin
đất mới trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Địa
chính.
d. Trong thời hạn 60 ngày kể từ
ngày nhận được báo cáo, Tổng cục Địa chính tổ chức thẩm định kế hoạch chuyển đất
quốc phòng, an ninh sang mục đích khác và kế hoạch xin đất mới của Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng
Chính phủ về kế hoạch chuyển đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác, đơn vị
vũ trang nhân dân được chuyển mục đích sử dụng đất lập hồ sơ xin chuyển mục
đích cho từng trường hợp cụ thể. Hồ sơ bao gồm:
a. Đơn xin chuyển mục đích sử dụng
đất của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
b. Dự án và quyết định đầu tư hoặc
giấy phép đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với công trình phải lập
dự án).
c. Bản đồ địa chính khu đất xin
chuyển mục đích
4. Hồ sơ xin giao đất mới sử dụng
vào mục đích quốc phòng, an ninh:
Hồ sơ xin giao đất mới sử dụng
vào mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định
09/CP, gồm có:
a. Đơn xin giao đất do đơn vị trực
thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập và gửi cho Uỷ ban nhân cấp tỉnh, đồng gửi Bộ
Quốc phòng, Bộ Nội vụ.
b. Công văn đề nghị giao đất của
Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh và Tổng cục Địa chính.
c. ý kiến về việc giao đất của Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Tổng cục Địa chính và Bộ
Quốc phòng, Bộ Nội vụ.
d. Trích lục về địa điểm, diện
tích đất, diện tích xây dựng, nhu cầu sử dụng về hạ tầng kỹ thuật, đánh giá tác
động môi trường, thời gian tiến độ thi công, vốn đầu tư theo dự án đầu tư được
duyệt.
5. Thẩm quyền quyết định chuyển
mục đích sử dụng đất và quyết định giao đất quốc phòng, an ninh thực hiện theo
quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 09/CP ngày 12-2-1996 của Chính
phủ.
VI. VIỆC ĐĂNG
KÝ, THỐNG KÊ ĐẤT ĐAI.
1. Đơn vị trực thuộc Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm đăng ký đất đai đang sử dụng và đất đai của các
đơn vị thuộc quyền với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại.
Trường hợp đơn vị trực thuộc Bộ
Quốc phòng, Bộ Nội vụ không có điều kiện trực tiếp đăng ký thì được uỷ quyền
cho đơn vị đang trực tiếp sử dụng đất thực hiện việc đăng ký.
2. Nội dung đăng ký đất đai gồm:
- Tên đơn vị sử dụng đất: Ghi tên
đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ trước, ghi tên đơn vị trực tiếp sử dụng
đất sau.
- Diện tích, ranh giới khu đất
thể hiện trên bản đồ địa chính của địa phương.
3. Hàng năm, các đơn vị trực thuộc
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tiến hành thống kê tình hình sử dụng và biến động về đất
đai của các đơn vị thuộc quyền mình quản lý báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ.
Khi Nhà nước tiến hành các đợt
kiểm kê đất đai, các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm
báo cáo số liệu về đất đai nêu ở điểm 2 mục VI của Thông tư này.
VII. VIỆC QUẢN
LÝ HỒ SƠ, TÀI LIỆU VỀ ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Hồ sơ tài liệu về đất quốc
phòng, an ninh được quản lý theo chế độ bảo mật. Hồ sơ lưu trữ gồm có:
a. Quyết định vị trí đóng quân
hoặc địa điểm công trình.
b. Bản đồ địa hình có xác định vị
trí đóng quân, địa điểm công trình (cấp trung đoàn trở xuống dùng bản đồ tỷ lệ
1/25.000 đến 1/50.000; cấp cao hơn dùng bản đồ tỷ lệ 1/100.000).
c. Bản đồ quy hoạch phân khu chức
năng sử dụng đất và quyết định xét duyệt.
d. Bản đồ địa chính khu đất đã
có xác nhận của: Thủ trưởng đơn vị sử dụng đất, đơn vị lập bản đồ, UBND cấp xã,
UBND cấp huyện, Sở Địa chính cấp tỉnh.
e. Quyết định giao đất, thu hồi
đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
f. Dự án đầu tư và quyết định
phê duyệt đối với khu đất có công trình xây dựng mới.
g. Các giấy tờ khác có liên quan
đến khu đất.
2. Phân cấp lưu trữ hồ sơ tài liệu
đất quốc phòng, an ninh như sau:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và
đơn vị trực thuộc Bộ lưu trữ toàn bộ hồ sơ tài liệu nêu trên.
b. Đơn vị trực tiếp sử dụng đất
lưu trữ: quyết định giao đất, thu hồi đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản
đồ địa chính khu đất.
Những tài liệu chỉ có một bản đồ
thì bản gốc được lưu trữ tại đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, còn lại
sử dụng bản sao.
c. Cơ quan địa chính cấp tỉnh
lưu trữ các hồ sơ tài liệu sau:
- Hồ sơ xin giao đất quốc phòng,
an ninh và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quốc phòng, an ninh
quy định tại Điều 10 và Điều 13 của Nghị định 09/CP.
- Hồ sơ xin chuyển đất quốc
phòng, an ninh sang mục đích khác.
- Quyết định giao đất, thu hồi đất,
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Bản đồ địa chính khu đất
(không thể hiện công trình bên trong khu đất, đối với các công trình quốc
phòng, an ninh cần bảo đảm yêu cầu bí mật).
- Văn bản có liên quan đến việc
thu hồi đất, chuyển giao đất cho các tổ chức cá nhân ngoài lực lượng vũ trang
nhân dân.
- Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.
VIII. VIỆC
THANH TRA ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH.
1. Khi tiến hành thanh tra việc
chấp hành pháp luật đất đai của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, cơ
quan Thanh tra Nhà nước, Thanh tra đất đai ở Trung ương, địa phương và của Bộ
Quốc phòng, Bộ Nội vụ thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Đất đai, quy
định của Pháp lệnh Thanh tra và thông báo bằng văn bản cho đơn vị trực thuộc Bộ
Quốc phòng, Bộ Nội vụ, đơn vị trực tiếp sử dụng đất biết về nội dung, mục đích
yêu cầu và thời gian thanh tra. Riêng đối với các đợt thanh tra do cơ quan Thanh
tra của Trung ương tổ chức, văn bản thông báo gửi cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ,
và đơn vị trực thuộc Bộ.
2. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm báo cáo hoặc uỷ quyền cho chỉ huy đơn vị
trực tiếp sử dụng đất báo cáo những nội dung mà đoàn thanh tra yêu cầu liên
quan đến việc quản lý sử dụng đất của đơn vị, nhưng phải đảm bảo chế độ bí mật
quốc phòng, an ninh.
3. Tình hình và tài liệu về khu
đất quốc phòng, an ninh được phép báo cáo, cung cấp cho tổ chức thanh tra gồm:
a. Quyết định vị trí đóng quân
hoặc địa điểm công trình.
b. Quy hoạch phân khu chức năng
sử dụng đất và quyết định xét duyệt.
c. Bản đồ địa chính khu đất
(không thể hiện công trình bên trong khu đất đối với các công trình quốc phòng,
an ninh cần bảo đảm yêu cầu bí mật).
d. Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, quyết định giao đất, thu hồi đất.
e. Trích lục dự án và quyết định
đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 09/CP.
f. Các giấy tờ khác có liên quan
đến sử dụng đất.
g. Các số liệu về tổng diện tích
đất, phân loại diện tích đất theo từng mục đích, tính chất sử dụng cụ thể.
Các tài liệu nêu trên, nếu có
yêu cầu giao nộp thì chỉ huy đơn vị trực tiếp sử dụng đất sao lục và giao cho
cơ quan Thanh tra kèm theo biên bản bàn giao tài liệu. Cơ quan Thanh tra chịu
trách nhiệm quản lý các hồ sơ tài liệu này theo chế độ bảo mật của Nhà nước.
4. Sau đợt thanh tra, cơ quan
Thanh tra có trách nhiệm gửi văn bản kết luận hoặc kiến nghị xử lý đến cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và đơn vị trực thuộc Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ để chỉ đạo giải quyết.
IX. VIỆC XỬ
LÝ TỒN TẠI VỀ ĐẤT QUỐC PHÒNG, AN NINH
1. Đất làm nhà ở gia đình quân
nhân, công an nhân dân do các đơn vị vũ trang nhân dân đang quản lý, sử dụng,
nay không thuộc đất quốc phòng, an ninh được giải quyết theo hướng sau:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ rà
soát lại đất đã chuyển sang làm nhà ở gia đình, từng bước bàn giao ra địa
phương quản lý theo lãnh thổ.
b. UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp
nhận và quản lý các khu đất ở gia đình do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ bàn giao và
giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở
theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Đất sử dụng của các doanh
nghiệp quốc phòng, an ninh chuyên làm kinh tế:
a. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ xác
định đất của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chuyên làm kinh tế nêu tại điểm
4 phần thứ nhất của Thông tư này.
b. Các doanh nghiệp quốc phòng,
an ninh chuyên làm kinh tế đang sử dụng đất phải chuyển sang thuê đất theo quy
định của pháp luật.
Phần thứ
ba:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Địa chính và UBND cấp dưới
thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với đất sử dụng cho quốc phòng, an ninh
trong phạm vi địa phương mình theo quy định của pháp luật đất đai, Nghị định
09/CP và nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Các đơn vị vũ trang nhân dân
sử dụng đất quốc phòng, an ninh có trách nhiệm:
a. Phổ biến, quán triệt, tuyên
truyền pháp luật đất đai cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị.
b. Chấp hành nghiêm chỉnh các
quy định của Luật Đất đai, Nghị định 09/CP và nội dung hướng dẫn tại Thông tư
này, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
c. Nếu không còn nhu cầu sử dụng
đất, phải báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ để điều chỉnh cho đơn vị khác theo
quy hoạch hoặc trả lại Nhà nước. Không được tự tiện chuyển đất quốc phòng, an
ninh sang sử dụng vào mục đích khác.
Trong quá trình thực hiện Thông
tư này, nếu có khó khăn vướng mắc các địa phương và đơn vị vũ trang nhân dân phản
ánh kịp thời với Tổng cục Địa chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ để xem xét giải
quyết.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày
01 tháng 11 năm 1997, những văn bản hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều
bãi bỏ.
Chu
Văn Thỉnh
(Đã
ký)
|
Trần
Hanh
(Đã
ký)
|
Hoàng
Ngọc Nhất
(Đã
ký)
|