Thông tư liên tịch 187/1998/TTLT-BTCCBCP-BTC-BTP 1998 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý do Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ-Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 187/1998/TTLT-BTCCBCP-BTC-BTP
Ngày ban hành 30/03/1998
Ngày có hiệu lực 14/04/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ,Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Ngọc Hiến,Tào Hữu Phùng,Tô Tử Hạ
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187/1998/TTLT-BTCCBCP-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - BỘ TÀI CHÍNH -BỘ TƯ PHÁP SỐ 187/1998/TT-LT-TCCP-TC-TP NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI CỘNG TÁC VIÊN THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Liên tịch Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA:

Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội - nhân đạo, không thu tiền với sự tham gia của các chuyên gia, luật gia, luật sư tình nguyện.

Nhà nước có chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên nhằm bù đắp một phần công sức và nâng cao trách nhiệm của đối tượng này trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

Nhà nước cũng khuyến khích cộng tác viên tình nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý không nhận bồi dưỡng.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ MỨC BỒI DƯỠNG:

1. Cộng tác viên thực hiện đại diện, bào chữa trước Toà án hưởng chế độ bồi dưỡng như đối với luật sư chỉ định quy định tại Thông tư 614/TTLN ngày 21/7/1995 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn chế độ phụ cấp tại phiên toà.

2. Cộng tác viên thực hiện tư vấn pháp luật được hưởng mức bồi dưỡng như sau:

a. Đối với giải đáp, hướng dẫn pháp luật bằng miệng:

- Giải đáp, hướng dẫn đơn giản: 5.000đ/giờ.

- Giải đáp, hướng dẫn phức tạp: 8.000đ/giờ.

b. Đối với giải đáp, hướng dẫn pháp luật bằng văn bản:

- Giải đáp, hướng dẫn đơn giản: 8.000đ/1 văn bản.

- Giải đáp, hướng dẫn phức tạp: 15.000đ/1 văn bản.

Ngoài chế độ bồi dưỡng, khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, cộng tác viên được thanh toán tiền công tác phí như đối với công chức nhà nước đi công tác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hàng năm, Cục trợ giúp pháp lý và các Trung tâm lập dự toán kinh phí hoạt động bao gồm cả kinh phí chi bồi dưỡng và tiền công tác phí (nếu có) của cộng tác viên gửi cơ quan chủ quản tổng hợp để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, theo chế độ hiện hành.

Việc sử dụng kinh phí chi bồi dưỡng cho cộng tác viên được quyết toán theo chế độ thực chi tài chính hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Ngọc Hiến

(Đã ký)

Tô Tử Hạ

(Đã ký)

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)