Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 160/2007/TTLT/BTC-BQP-BCT hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện của các đơn vị quân đội cho ngành điện quản lý do Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng - Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 160/2007/TTLT/BTC-BQP-BCT
Ngày ban hành 31/12/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công thương,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hữu Hào,Nguyễn Văn Được,Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ CÔNG THƯƠNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 160/2007/TTLT/BTC-BQP-BCT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN GIAO, NHẬN VÀ HOÀN TRẢ VỐN ĐẦU TƯ LƯỚI ĐIỆN CỦA CÁC ĐƠN VỊ QUÂN ĐỘI CHO NGÀNH ĐIỆN QUẢN LÝ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 373/TTg -CN ngày 27 tháng 3 năm 2007 về việc bàn giao lưới điện của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên Bộ: Tài chính - Quốc phòng - Công Thương hướng dẫn việc giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện của các đơn vị quân đội (sau đây gọi là lưới điện quân đội) cho ngành điện quản lý như sau:

I. PHẠM VI, NGUYÊN TẮC, TRÁCH NHIỆM GIAO, NHẬN TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN QUÂN ĐỘI

1. Phạm vi giao, nhận

Lưới điện quân đội bàn giao cho ngành điện quản lý gồm: Lưới điện trung, cao thế có điện áp từ 6 đến 35 KV và các trạm biến áp từ 6 đến 35/0,4 KV cấp điện cho doanh trại các đơn vị quân đội, kho tàng, trường bắn, các căn cứ quân sự …, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất quốc phòng, kinh tế... hiện do các đơn vị quân đội quản lý được chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (sau đây gọi tắt là EVN) quản lý.

2. Nguyên tắc giao, nhận

2.1. Bộ Quốc phòng bàn giao nguyên trạng toàn bộ tài sản bao gồm hệ thống đường điện trung, cao thế và trạm biến áp của các đơn vị quân đội đang quản lý sang cho ngành điện quản lý và khai thác sử dụng.

2.2. Đối với đất xây dựng đường dây và trạm không phải đất quốc phòng:

a) Trường hợp diện tích đất xây dựng tuyến đường dây và trạm biến áp không có công trình quốc phòng, vành đai an toàn và khu vực bảo vệ công trình quốc phòng thì các đơn vị quân đội có trách nhiệm bàn giao diện tích đất cho ngành điện quản lý;

b) Trường hợp diện tích đất xây dựng tuyến đường dây và trạm biến áp có các công trình quốc phòng, vành đai an toàn và khu vực bảo vệ công trình quốc phòng thì các đơn vị quân đội không bàn giao diện tích đất có công trình quốc phòng, vành đai an toàn và khu vực bảo vệ công trình quốc phòng.

2.3. Trường hợp đường dây và trạm nằm trong doanh trại thuộc đất quốc phòng thì chỉ bàn giao đường dây và trạm, không bàn giao đất. Trường hợp có thể di chuyển đường dây và trạm biến áp ra sát hàng rào thì hai bên giao, nhận sẽ có thỏa thuận riêng sau khi ngành điện đã tiếp nhận. Đối với trường hợp này khi giao, nhận phải có văn bản thỏa thuận giữa bên giao và bên nhận về việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, bên giao tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên của ngành điện thực hiện việc quản lý, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch.

3. Trách nhiệm Bên giao và Bên nhận

3.1. Bên giao là các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý lưới điện được Bộ Quốc phòng uỷ quyền.

Bên giao có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định tại khoản 1, Mục II Thông tư này, chủ trì cùng với bên nhận kiểm kê, xác định giá trị thực tế còn lại tài sản lưới điện bàn giao; xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư của lưới điện bàn giao; thực hiện bàn giao lưới điện và các hồ sơ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý, vận hành của Bên nhận.

Sau khi bàn giao, thực hiện hạch toán giảm tài sản, vốn theo số liệu sổ sách đối với số tài sản đã bàn giao.

3.2. Bên nhận là các Công ty Điện lực, Điện lực tỉnh, thành phố được EVN ủy quyền.

Bên nhận có trách nhiệm cùng với bên giao kiểm kê, xác định giá trị thực tế còn lại tài sản lưới điện bàn giao; xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư của lưới điện bàn giao; thực hiện tiếp nhận quản lý lưới điện và các hồ sơ có liên quan.

Sau khi nhận thực hiện hạch toán tăng tài sản và tăng vốn, tổ chức quản lý, vận hành, cải tạo lưới điện theo đúng quy định của Nhà nước. Thực hiện việc hoàn trả vốn theo quy định tại Mục III của Thông tư này sau khi có quyết định của Bộ Tài chính.

3.3. Các bên giao nhận phải lập biên bản kiểm kê, xác định giá trị thực tế còn lại và xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư của lưới điện bàn giao. Biên bản này phải có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

II. HỒ SƠ GIAO, NHẬN VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN TRONG GIAO, NHẬN

1. Hồ sơ giao, nhận

Hồ sơ giao, nhận lưới điện quân đội gồm có hồ sơ gốc theo quy định hoặc hồ sơ thay cho hồ sơ gốc và hồ sơ được lập tại thời điểm giao, nhận, cụ thể như sau:

1.1. Hồ sơ gốc theo quy định bao gồm:

a) Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình;

b) Văn bản thoả thuận tuyến, văn bản giao đất;

c) Các chứng từ sổ sách kế toán liên quan đến việc xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản lưới điện, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, báo cáo quyết toán được duyệt;

d) Hợp đồng vay vốn Ngân hàng, các tổ chức kinh tế khác (kể cả vay của các đơn vị thi công); các chứng từ chứng minh khoản phải trả khác của đơn vị; biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận của Ngân hàng hoặc bên cho vay; hồ sơ thanh quyết toán (liên quan đến lưới điện bàn giao) có xác nhận số nợ đã trả và số dư nợ đến thời điểm bàn giao (nếu có).

[...]