Thông tư liên tịch 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin do Bộ Tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT
Ngày ban hành 22/09/2010
Ngày có hiệu lực 06/11/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Trần Đức Lai,Trương Chí Trung
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ CHI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính và Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam;
Liên Bộ Tài chính – Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin như sau:

Phần I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ và các nguồn thu hợp khác để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số, công nghiệp phần cứng và dịch vụ công nghệ thông tin (sau đây gọi chung là công nghiệp công nghệ thông tin).

2. Đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia vào các đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nguồn vốn và nguyên tắc chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

1. Nguồn vốn chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, gồm:

a) Ngân sách nhà nước.

b) Nguồn viện trợ, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của các tổ chức quốc tế cho các dự án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.

c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn vốn phát triển công nghiệp công nghệ thông tin từ ngân sách nhà nước bao gồm nguồn vốn sự nghiệp và nguồn vốn đầu tư phát triển được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm theo các lĩnh vực chi của các cơ quan, đơn vị. Nhiệm vụ chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương do ngân sách trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị ở địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

3. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân quản lý và sử dụng kinh phí chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đúng mục đích, đúng chế độ, bảo đảm hiệu quả để phục vụ thiết thực cho nâng cao năng suất và chất lượng công việc chuyên môn, phù hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điều kiện hoạt động cụ thể của cơ quan, đơn vị; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; quyết toán kinh phí đã sử dụng, thực hiện chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.

Phần II.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin

Nội dung chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin bao gồm: chi hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh; chi hỗ trợ các vườn ươm doanh nghiệp, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các tiêu chuẩn, công nghệ, sản phẩm mới, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin; chi xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia về công nghiệp công nghệ thông tin; chi thúc đẩy phát triển và ứng dụng phần mềm mã nguồn mở; chi xây dựng, tạo lập các cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung; chi đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chi đảm bảo và thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin xanh (Green IT); chi xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý, môi trường hoạt động cho công nghiêp công nghệ thông tin. Liên Bộ Tài chính – Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn chi tiết một số nội dung cụ thể như sau:

1. Chi hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xây dựng, áp dụng đánh giá và lấy chứng chỉ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMI (CMMI là quy trình sản xuất tiên tiến dành cho các doanh nghiệp phần mềm do viện công nghệ phần mềm SEI của Hoa Kỳ phát triển) bao gồm:

a) Chi tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về các quy trình quản lý chất lượng; chi thông tin tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; chi khảo sát thực trạng để lựa chọn doanh nghiệp; chi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; chi tổ chức các khoá đào tạo trong nước; chi cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài về các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

b) Chi thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất, bao gồm: tư vấn đánh giá thực trạng và hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch triển khai xây dựng áp dụng quy trình sản xuất; tư vấn xây dựng quy trình; tư vấn kiểm tra quy trình; tư vấn áp dụng quy trình và chuyên gia tư vấn khác.

c) Chi hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn đánh giá, đạt chứng chỉ quy trình sản xuất, bao gồm: tư vấn đánh giá thử; tư vấn, đào tạo nhóm đánh giá nội bộ của doanh nghiệp; tư vấn điều chỉnh quy trình; tư vấn lập kế hoạch đánh giá quy trình; tư vấn đánh giá chính thức.

2. Chi phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, bao gồm: chi hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp về các kỹ năng chuyên môn chuyên sâu, công nghệ mới và các kỹ năng quản lý trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin như: phân tích, thiết kế, quản trị dự án, cải tiến quy trình, quản lý rủi ro, kỹ năng kinh doanh; chi chuẩn hóa hệ thống xếp bậc nhân lực công nghệ thông tin; chi tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đối tượng là cán bộ công chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin; chi tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; chi nghiên cứu chuyên môn, nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, cơ chế chính sách.

3. Chi xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin bao gồm: chi tổ chức đoàn vào, đoàn ra; chi hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức và tham gia các hội thảo, triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước; chi hỗ trợ phát triển các thương hiệu; chi xây dựng và quảng bá thương hiệu công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua việc in ấn tài liệu, tờ rơi.

4. Chi biên soạn sách trắng, báo cáo toàn cảnh, các tài liệu giới thiệu các văn bản quy định pháp luật, hướng dẫn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chi biên soạn và phát hành các ấn phẩm nhằm quảng bá, tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn, công nghệ, quy trình quản lý, sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.

5. Chi hỗ trợ, tạo lập các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ về hạ tầng điện, nước, viễn thông cho các công trình công nghệ thông tin, hỗ trợ phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm các loại hình: công viên phần mềm, khu phần mềm tập trung, khu tổ hợp công nghệ thông tin và các khu công nghệ thông tin tập trung khác theo quy định của pháp luật.

6. Chi hỗ trợ phát triển các vườn ươm doanh nghiệp, bao gồm: chi hỗ trợ xây dựng đầu tư trang thiết bị ban đầu, chi hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; chi hỗ trợ chuyển giao công nghệ; chi hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực; chi duy trì hoạt động của vườn ươm.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ