Quyết định 392/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 392/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/03/2015
Ngày có hiệu lực 27/03/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc
------------------

Số: 392/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Công nghiệp CNTT là một cấu phần quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng thông tin, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

b) Chương trình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm thực hiện thành công Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông, góp phần thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

c) Thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp CNTT, ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp dịch vụ CNTT Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu đến năm 2025

Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.

b) Mục tiêu đến năm 2020

- Tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015 - 2020.

- Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.

- Phát triển nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực phần cứng - điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nhu cầu và phấn đấu tăng dần tỷ trọng mua sắm các sản phẩm thương hiệu Việt Nam trong tổng kinh phí mua sắm đầu tư hàng năm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

- Phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu các cơ quan nhà nước; tăng dần tỷ trọng kinh phí thuê dịch vụ CNTT trên tổng chi phí mua sắm CNTT của các Bộ, ngành, địa phương.

- Hỗ trợ xây dựng tối thiểu 7 Khu CNTT tập trung.

II. NHIỆM VỤ

1. Hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp

a) Khảo sát, đánh giá hiện trạng, vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp và đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ CNTT Việt Nam.

b) Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thông tin, quản lý khách hàng (CMMi, ISO, ...) và các chuẩn quốc tế phù hợp khác cho các tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức các khóa bồi dưỡng, bổ sung, nâng cao kiến thức kỹ năng về các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực CNTT cho các cá nhân cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

[...]