Thông tư liên tịch 133/1998/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong ngành đường bộ do Bộ Tài chính-Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 133/1998/TTLT-BTC-BGTVT
Ngày ban hành 13/10/1998
Ngày có hiệu lực 28/10/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Bộ Tài chính
Người ký Đào Đình Bình,Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 133/1998/TTLT-BTC-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 133/1998/TTLT-BTC-BGTVT NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH TRONG NGÀNH ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Nghị định số 56/CP ngày 02 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; Thông tư 06 TC/TCDN ngày 24 tháng 02 năm 1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích; căn cứ đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý sửa chữa đường bộ, Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong ngành đường bộ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa đường bộ thuộc Cục đường bộ Việt Nam và các Sở giao thông công chính, giao thông vận tải địa phương, được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (gọi tắt là Doanh nghiệp công ích Đường bộ). Cục đường bộ Việt Nam thực hiện giao nhiệm vụ, ký kết các hợp đồng, đặt hàng, kiểm tra giám sát, nghiệm thu thanh toán các khối lượng công tác sửa chữa cầu đường bộ cho các doanh nghiệp công ích đường bộ thuộc Trung ương quản lý. Các Sở giao thông công chính, giao thông vận tải địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, ký kết các hợp đồng, đặt hàng, kiểm tra giám sát, nghiệm thu thanh toán các khối lượng công tác sửa chữa cầu đường bộ cho các doanh nghiệp công ích đường bộ thuộc địa phương quản lý.

2. Doanh nghiệp công ích Đường bộ có trách nhiệm sử dụng vốn và nguồn lực được Nhà nước giao để thực hiện các nhiệm vụ:

+ Quản lý và sửa chữa công trình cầu đường bộ;

+ Quản lý và thu phí qua cầu đường bộ;

+ Tổ chức phục vụ vượt sông và thu cước qua phà trên hệ thống đường bộ;

+ Sản xuất, lắp đặt, sửa chữa các kết cấu, thiết bị, phương tiện phục vụ an toàn giao thông đường bộ.

3. Ngoài nhiệm vụ công ích được giao, doanh nghiệp công ích Đường bộ có quyền tận dụng đất đai, vốn và tài sản của Nhà nước do doanh nghiệp quản lý và huy động thêm vốn để tổ chức các hoạt động kinh doanh phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường với điều kiện:

- Được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản;

- Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công ích được giao;

- Đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo quy định hiện hành;

- Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh ngoài nhiệm vụ công ích;

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với phần hoạt động kinh doanh thêm theo quy định của pháp luật.

4. Các doanh nghiệp công ích đường bộ thực hiện chính sách thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước theo Thông tư số 32/1998/TT-BTC ngày 17-3-1998 hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích.

5. Doanh nghiệp công ích Đường bộ chịu sự kiểm tra giám sát về mặt tài chính của cơ quan tài chính với tư cách là đại diện chủ sở hữu về vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp theo uỷ quyền của Chính phủ.

II. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN

1. Đầu tư vốn:

1.1. Doanh nghiệp công ích Đường bộ được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ ban đầu không thấp hơn vốn pháp định do Nhà nước quy định, để xây dựng, mua sắm tài sản cố định và tài sản lưu động phù hợp với quy mô và nhiệm vụ được giao;

1.2. Doanh nghiệp công ích Đường bộ đang hoạt động, nếu thiếu vốn so với nhiệm vụ được Nhà nước giao (sau khi huy động các nguồn vốn hiện có tại đơn vị), được Nhà nước đầu tư bổ sung như sau:

- Trường hợp hoạt động có lãi: Được xét giảm thuế lợi tức để bổ sung vào vốn theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp không có lãi hoặc đã được xét giảm thuế lợi tức để bổ sung mà chưa đủ vốn thì được Nhà nước xem xét đầu tư bổ sung cho đủ vốn.

1.3. Thủ tục, trình tự cấp vốn đầu tư xây dựng và vốn lưu động cho doanh nghiệp công ích đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Huy động vốn:

2.1. Doanh nghiệp công ích Đường bộ được quyền huy động vốn dưới mọi hình thức để phát triển kinh doanh theo các quy định của pháp luật, nhưng không được làm thay đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải lập phương án huy động vốn của từng trường hợp cụ thể trình cơ quan quyết định thành lập và cơ quan tài chính. Sau khi thống nhất với cơ quan tài chính, cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp quyết định cho thực hiện.

[...]