BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-----
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số: 13/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI MỘT
SỐ DỰ ÁN, HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM ĐẾN NĂM 2010
Căn cứ Nghị định
số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg ngày 6/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010;
Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số
dự án và hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010
như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều
chỉnh:
a) Thông tư này hướng
dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án và hoạt động được bố trí nguồn
vốn trực tiếp trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010
(sau đây viết tắt là CTMTQGVL), bao gồm:
- Dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động;
- Hoạt động
nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm;
- Hoạt động
giám sát, đánh giá.
b) Đối với Dự án vay vốn tạo việc
làm và dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực
hiện theo các quy định hiện
hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu
quốc gia về việc làm đến năm 2010.
3. CTMTQGVL được
thực hiện từ các nguồn vốn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn
tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước.
II. LẬP, PHÂN BỔ, QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CTMTQGVL
Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán; quản lý, sử
dụng và quyết toán kinh phí CTMTQGVL thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư
này hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:
1. Phân bổ dự
toán:
a) Căn cứ tổng mức
kinh phí của CTMTQGVL được cấp có thẩm quyền thông báo, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan dự kiến phương
án phân bổ kinh phí của Chương trình cho từng dự án, hoạt động chi tiết cho các
Bộ, ngành, các Hội đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội tổng hợp kết quả phân bổ gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương
trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách
Nhà nước.
b) Căn cứ phân bổ
dự toán từ nguồn ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương:
- Dự án hỗ trợ
phát triển thị trường lao động:
+ Đối với hoạt động
nâng cao năng lực và hiện đại hoá các Trung tâm giới thiệu việc làm: căn cứ vào
dự án đầu tư Trung tâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Đối với nội dung
hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm: căn cứ vào Đề án hỗ trợ phát triển thị
trường lao động của Trung tâm giới thiệu việc làm được cấp có thẩm quyền phê
duyệt; mức độ phát triển của thị trường lao động, nhu cầu và khả năng tổ chức
sàn giao dịch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Đối với nội dung
hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động: căn cứ vào Đề án được Bộ trưởng
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt.
+ Đối với hoạt động
điều tra thị trường lao động: căn cứ vào Đề án được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội phê duyệt.
- Hoạt động nâng
cao năng lực quản lý lao động - việc làm: căn cứ vào số lượng cán bộ làm công
tác quản lý lao động - việc làm cần tập huấn theo kế hoạch hàng năm của tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hoạt động giám
sát, đánh giá:
+ Đối với các cơ
quan chủ trì thực hiện chương trình ở Trung ương: căn cứ vào kế hoạch giám sát,
đánh giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí kinh phí.
+ Đối với các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương: mức phân bổ tối đa bằng 3% tổng nguồn vốn ngân
sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án, hoạt động thuộc CTMTQGVL tại
địa phương.
2. Công tác hạch
toán, quyết toán:
- Các đơn vị trực
tiếp sử dụng ngân sách của CTMTQGVL có trách nhiệm hạch toán và quyết toán kinh
phí thực hiện các Dự án theo chương, loại, khoản tương ứng của Mục lục ngân
sách nhà nước; mã số CTMTQGVL và quy định của Luật ngân sách Nhà nước, Luật kế
toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Các Dự án và hoạt
động của Chương trình mua sắm trang thiết bị, hàng hoá và vật tư, dịch vụ công
nghệ thông tin... thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Kinh phí sửa chữa,
cải tạo, nâng cấp mở rộng Trung tâm Giới thiệu việc làm được quản lý và sử dụng
theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
- Đối với một số
hoạt động của Chương trình do cơ quan, tổ chức thực hiện thông qua hình thức ký
hợp đồng với cơ quan chủ trì dự án thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được
lưu tại cơ quan chủ trì dự án, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự
toán chi tiết được cơ quan chủ trì dự án phê duyệt), biên bản nghiệm thu công
việc, biên bản thanh lý hợp đồng, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu
có liên quan khác. Các chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện
dự án lưu giữ theo quy định hiện hành.
3. Chế độ báo cáo:
- Các Bộ, ngành chủ
trì dự án, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm báo cáo tình hình tài chính và kết quả thực hiện các Dự án gửi
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo
quy định hiện hành đối với Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện mục
tiêu, nội dung và hiệu quả sử dụng kinh phí của CTMTQGVL theo quy định hiện
hành đối với Chương trình mục tiêu quốc gia.
III. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CỦA CÁC HOẠT ĐỘNG, DỰ ÁN
1. Dự án hỗ trợ
phát triển thị trường lao động:
1.1. Nâng cao năng
lực và hiện đại hoá các Trung tâm giới thiệu việc làm và hỗ trợ tổ chức sàn
giao dịch việc làm:
a) Đối tượng hỗ trợ:
các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Trung tâm giới thiệu việc làm
của các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
b) Nội dung chi:
b1) Nâng cao năng
lực và hiện đại hoá các Trung tâm giới thiệu việc làm:
- Hỗ trợ mua sắm trang
thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giao dịch việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu
về thị trường lao động và thu thập thông tin thị trường lao động quốc gia theo
dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc mua sắm trang
thiết bị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007
và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 5/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung
Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước
bằng vốn nhà nước.
- Hỗ trợ mua sắm phần
mềm cho các hoạt động phục vụ giao dịch việc làm, thu thập thông tin thị trường
lao động.
- Hỗ trợ cải tạo,
nâng cấp, mở rộng nhà xưởng hiện có tại các Trung tâm Giới thiệu việc làm để
hình thành đồng bộ sàn giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động. Mức
hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quản
lý và sử dụng kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà xưởng thực hiện theo quy
định tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 và Thông tư số
130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của
Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý,
thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân
sách nhà nước.
b2) Hỗ trợ tổ chức
sàn giao dịch việc làm:
- Hỗ trợ tổ chức
sàn giao dịch việc làm, bao gồm: thuê địa điểm (trong trường hợp diện tích
Trung tâm tạm thời chưa đáp ứng), thuê hoặc mua sắm thiết bị phục vụ cho việc
giao dịch (nếu có);
- Hỗ trợ cho các
hoạt động thông tin, tuyên truyền về việc làm, bao gồm:
+ Chi thông tin,
tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài
truyền hình, báo chí: thực hiện
theo hình thức hợp đồng giữa Trung tâm Giới thiệu việc làm và cơ quan thông tin
đại chúng;
+ Chi in ấn các ấn
phẩm, sách, tranh, ảnh, phim tuyên truyền trên đĩa CD; chi làm pa nô, khẩu hiệu:
Mức chi theo sản phẩm thực tế phù hợp với giá cả trên thị trường.
- Hỗ trợ đào tạo
cán bộ vận hành sàn giao dịch việc làm, thu thập thông tin thị trường lao động.
Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.
1.2. Hoàn thiện hệ
thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và thông tin thị trường lao động,
bao gồm:
a) Xây dựng bộ chỉ
tiêu thông tin thị trường lao động; hệ thống biểu mẫu, sổ sách: Nội dung và mức
chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về hướng dẫn nội dung, mức
chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung
học chuyên nghiệp và biên soạn chương trình các môn học.
b) Xây dựng
Website, phần mềm thống nhất quản lý lao động - việc làm trên phạm vi toàn quốc;
thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin; bảo trì, bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống:
Nội dung và mức chi được thực hiện theo quy định hiện hành về hướng dẫn mức chi
tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công
nghệ thông tin, xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu.
c) Hỗ trợ các
trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện Đề án để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở
dữ liệu về thị trường lao động, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường
lao động.
1.3. Chi điều tra
thị trường lao động: Nội dung và mức chi điều tra được thực hiện theo quy định
tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự
nghiệp của ngân sách nhà nước.
2. Hoạt động nâng
cao năng lực quản lý lao động - việc làm:
a) Đối tượng:
- Cán bộ quản lý
lao động - việc làm các cấp: trung ương, tỉnh, huyện và xã.
- Cán bộ tham gia
công tác lao động - việc làm của các tổ chức, đoàn thể ở trung ương và địa
phương.
b) Hình
thức tổ chức và tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực do cơ
quan quản lý dự án thực hiện đảm bảo phù hợp với trình độ của cán bộ từng cấp
và từng khu vực (đặc biệt đối với cán bộ là người dân tộc).
c) Nội dung chi:
- Chi trả thù lao
cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.
- Chi hỗ trợ tiền
ăn, ngủ, đi lại cho học viên trong thời gian đào tạo theo Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn, quản lý và sử dụng kinh phí đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước và Thông tư số 23/2007/TT-BTC
ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức
hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng đối với
cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở xã, ở thôn
thuộc các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì được cấp toàn
bộ chi phí học tập, ăn ở, đi lại theo Điều 8 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày
21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức ở xã,
phường, thị trấn.
- Chi tổ chức lớp
học gồm: thuê hội trường, phòng học; thiết bị phục vụ học tập; văn phòng phẩm,
nước uống phục vụ lớp học; tài liệu, giáo trình giảng dạy; chi phục vụ khai giảng,
bế giảng, cấp chứng chỉ; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát thực tế; chi phí
ăn, ở, đi lại cho giảng viên và cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo trong trường
hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở đào tạo.
- Chi in ấn tài liệu,
biên soạn bài giảng phục vụ cho lớp học: mức chi theo dự toán được cấp có thẩm
quyền phê duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Chi cho công tác
quản lý lớp học không quá 5% tổng kinh phí cho lớp đào tạo.
3. Hoạt động giám sát, đánh giá, bao gồm:
a) Chi xây dựng
khung giám sát Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm đến năm 2010; nghiên
cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về lao động - việc làm: Nội
dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày
23/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
b) Chi giám sát, đánh giá ở các cấp
theo định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ; kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, dự án, hoạt
động của chương trình; báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình
thực hiện Chương trình ở các cấp; tổng kết, sơ kết công tác cho vay giải quyết
việc làm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông
tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ chế độ
công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị
sự nghiệp công lập và Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài
chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số
57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Uỷ ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo xây dựng
và tổ chức thực hiện CTMTQGVL tại
địa phương trên cơ sở CTMTQGVL
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các văn bản hướng dẫn của các Bộ,
ngành;
- Chỉ đạo các cơ
quan chức năng hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chương trình việc làm, sử dụng
nguồn ngân sách Trung ương phân bổ đúng mục tiêu, hiệu quả;
- Chỉ đạo các cơ
quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá và báo cáo tình hình
thực hiện các nội dung của CTMTQGVL
tại địa phương.
2. Các cơ quan
Trung ương thực hiện Chương trình:
- Chỉ đạo các cơ
quan cấp dưới tổ chức thực hiện các nội dung của CTMTQGVL trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được
giao có liên quan đến CTMTQGVL;
- Kiểm tra, giám
sát, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung của Chương trình, định kỳ 6
tháng và hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Lao động-Thương binh và Xã
hội.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước
đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình
triển khai thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp
thời để liên Bộ nghiên cứu giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Hoà
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng
Chính phủ, các Phó TTCP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Sở KHĐT, Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc
TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH;
- Các đơn vị thuộc BTC, Bộ LĐTBXH;
- Lưu VT: BTC, BLĐTBXH.
|
|