Thông tư liên tịch 119/2005/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BKH&ĐT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2005/NĐ-CP về đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường ngoài quân đội do Bộ Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 119/2005/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BKH&ĐT-BTC
Ngày ban hành 25/08/2005
Ngày có hiệu lực 21/10/2005
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Được,Phan Quang Trung,Trần Văn Tá,Bành Tiến Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 119/2005/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BKH&ĐT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2005 


THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2005/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ CHO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TẠI CÁC TRƯỜNG NGOÀI QUÂN ĐỘI

Căn cứ Nghị định số 73/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về đào tạo cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tại các trường ngoài quân đội;
Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN HỌC VIÊN QUÂN ĐỘI ĐÀO TẠO TẠI TRƯỜNG NGOÀI QUÂN ĐỘI

1. Tiêu chuẩn

Tuyển chọn những người có đủ tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ, kiến thức chuyên môn, văn hóa, tuổi đời phù hợp theo từng đối tượng đào tạo, sức khỏe tốt; tự nguyện phục vụ quân đội lâu dài, chấp hành sự phân công ngành học và điều động công tác khi tốt nghiệp.

2. Điều kiện

2.1. Đào tạo trong nước

a) Đào tạo cao đẳng, đại học

Thanh niên ngoài quân đội, quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học thuộc Bộ Quốc phòng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học xong nội dung chương trình huấn luyện đào tạo nguồn sỹ quan được xét chuyển sang đào tạo tại các trường đại học ngoài quân đội có cùng khối thi và trình độ đào tạo. Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy, Học viện kỹ thuật Mật mã và các trường cao đẳng được tuyển chọn học viên chưa qua đào tạo nguồn sỹ quan.

b) Đào tạo cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển

Thiếu sinh quân, quân nhân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng là người dân tộc thiểu số đủ điều kiện, tiêu chuẩn được cử tuyển vào đào tạo tại các trường ngoài quân đội theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCP-UBDT&MN ngày 26 tháng 02 năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Ủy ban Dân tộc và miền núi “Hướng dẫn tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển”.

c) Đào tạo sau đại học

- Cán bộ quân đội tốt nghiệp đại học tại các trường trong và ngoài quân đội được đăng ký dự thi vào sau đại học tại các trường ngoài quân đội, theo quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đủ điều kiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2. Đào tạo ở nước ngoài:

a) Đủ các điều kiện theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các điều kiện, yêu cầu của nước sở tại.

b) Đối tượng đào tạo đại học: Tuyển chọn học viên năm thứ nhất, thứ hai của các trường trong và ngoài quân đội.

c) Đối tượng đào tạo sau đại học: Tuyển chọn cán bộ quân đội đã tốt nghiệp đại học chính quy tại các trường trong và ngoài quân đội đúng chuyên ngành hoặc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

II. CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

1. Đào tạo trong nước

Bộ Quốc phòng chỉ chuyển học viên quân đội sang đào tạo ở trường ngoài quân đội đối với những ngành, chuyên ngành quân đội không đào tạo, hoặc có đào tạo nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

2. Đào tạo ở nước ngoài

a) Bộ Quốc phòng trực tiếp hợp tác với các nước đối với các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù của quân đội cần đảm bảo tính bí mật hoặc có tầm quan trọng đặc biệt như: vũ khí, khí tài, khoa học công nghệ quân sự…

b) Bộ Quốc phòng gửi đào tạo trong kế hoạch chung về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài đối với những ngành nghề phục vụ xây dựng quân đội trong lĩnh vực khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống như: cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, y – sinh học, xây dựng, giao thông vận tải… và thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

III. LẬP KẾ HOẠCH VÀ TUYỂN CHỌN ĐÀO TẠO

1. Lập kế hoạch:

1.1. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của từng giai đoạn và những ngành, chuyên ngành quân đội có nhu cầu đào tạo ở các trường ngoài quân đội (bao gồm cả kế hoạch đào tạo do Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện), Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và trường ngoài quân đội xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ ở trường ngoài quân đội, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6.

1.2. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo cán bộ tại các trường ngoài quân đội của Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo chỉ tiêu đào tạo cho Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành và trường ngoài quân đội có liên quan trước ngày 30 tháng 11.

[...]