Thông tư liên tịch 07/1999/TTLT-BTP-BCA quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành

Số hiệu 07/1999/TTLT-BTP-BCA
Ngày ban hành 08/02/1999
Ngày có hiệu lực 23/02/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường,Lê Thế Tiệm
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN-BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/1999/TTLT-BTP-BCA

Hà Nội , ngày 08 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN SỐ 07/1999/TTLT-BTP-BCA NGÀY 08 THÁNG 02 NĂM 1999 QUY ĐỊNH VIỆC CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 38-CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 37/1998/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an;
Để đáp ứng yêu cầu của công dân về cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu lý lịch tư pháp là loại phiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm 5 mục I của Thông tư liên tịch này, cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án.

Mẫu Phiếu lý lịch tư pháp là mẫu số 01/TP-LLTP được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Nguyên tắc xác nhận có hay không có tiền án

Một người chỉ bị coi là có tiền án khi có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên người đó phạm tội và chưa được xoá án tích theo quy định của pháp luật.

3. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Công dân Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp để sử dụng trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Người nước ngoài cũng có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam quy định tại điểm 5 mục I Thông tư liên tịch này cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án trong thời gian cư trứ tại Việt Nam.

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt mình làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Không cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Những trường hợp sau đây không được cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

a. Xin cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người khác mà không được uỷ quyền hợp thức;

b. Người đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

5. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp).

Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh) và trong trường hợp cần thiết với Toà án, để xác minh lý lịch tư pháp của đương sự.

6. Lệ phí

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

a. Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải làm đơn theo mẫu số 02/TP- LLTP ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này; đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được khai đầy đủ, rõ ràng và chính xác.

Kèm theo đơn yêu cầu phải có bản chụp Giấy chứng minh nhân dân và bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi thường trú của đương sự; đối với người nước ngoài thì nộp bản chụp Hộ chiếu và bản chụp Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

Trong trường hợp uỷ quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì còn phải có văn bản uỷ quyền được Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, trị trấn nơi cư trú của người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chứng nhận; người uỷ quyền là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, văn bản uỷ quyền phải có chứng nhận của Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nếu người uỷ quyền là người nước ngoài đã rời Việt Nam thì văn bản uỷ quyền phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú và phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

[...]