Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP hướng dẫn bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP
Ngày ban hành 07/07/2006
Ngày có hiệu lực 04/08/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Lương Trào,Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNGTHƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2006 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO LÃNH CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Bộ luật dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;.
Căn cứ Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp,
Để thống nhất việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

a) Bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo lãnh. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

b) Bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh giới thiệu người bảo lãnh có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và được bên nhận bảo lãnh chấp nhận để ký kết hợp đồng bảo lãnh.

2. Phạm vi bảo lãnh:

Bên bảo lãnh thỏa thuận với bên nhận bảo lãnh về trách nhiệm bảo lãnh toàn bộ hoặc một phần những nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán phí dịch vụ mà bên được bảo lãnh chưa thanh toán, nếu có;

b) Thanh toán chi phí bồi thường thiệt hại cho đối tác nước ngoài và những thiệt hại khác do bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng gây ra;

c) Thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng, nếu hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có thoả thuận phạt vi phạm;

d) Thanh toán tiền lãi trong trường hợp chậm thanh toán Các khoản tiền thuộc phạm vi bảo lãnh được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp Các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Nghĩa vụ khác của bên được bảo lãnh, nếu Các bên có thoả thuận và thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức Xã hội.

Trong trường hợp Các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định về phạm vi bảo lãnh thì phạm vi bảo lãnh bao gồm toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh.

3. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận; nếu không thỏa thuận thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong một thời hạn hợp lý do bên nhận bảo lãnh ấn định tính từ thời điểm bên bảo lãnh nhận được thông báo của bên nhận bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh.

4. Hình thức và nội dung của hợp đồng bảo lãnh

a) Hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản.

b) Hợp đồng bảo lãnh do Các bên lập, bao gồm những nội dung cơ bản sau: phạm vi bảo lãnh; quyền và nghĩa vụ của Các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh; thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; xử lý bảo lãnh.

5. Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

a) Bên nhận bảo lãnh có thể thoả thuận với bên bảo lãnh về việc áp dụng biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

b) Việc cầm cố, thế chấp hoặc ký quỹ phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng bảo lãnh.

c) Việc xác lập, thực hiện biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản hoặc ký quỹ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

1. Quyền của bên bảo lãnh

a) Được Các bên liên quan thông tin đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bên được bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh.

b) Thoả thuận bảo lãnh toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh phải thực hiện với bên nhận bảo lãnh theo quy định tại khoản 2 Mục I của Thông tư này.

[...]