Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 51/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 51/2008/TT-BTC
Ngày ban hành 16/06/2008
Ngày có hiệu lực 12/07/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Sỹ Danh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

Số: 51/2008/TT-BTC

 Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003-2010;
Để phù hợp với tình hình thực tế, sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành và các địa phương, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI

1. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

- Cán bộ, công chức hành chính, công chức dự bị, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện;

- Cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

- Cán bộ công chức xã, phường, thị trấn;

- Cán bộ không chuyên trách cấp xã; cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc ở xã và tổ dân phố ở phường, thị trấn;

- Luật sư, cán bộ quản lý doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng theo quy định tại khoản 2 mục I Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003-2010, khi các học viên này tham gia vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kinh tế quốc tế chuyên sâu do các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo ở trong nước.

Dưới đây gọi chung là cán bộ, công chức (CBCC) nhà nước.

2. Phạm vi sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước từ nguồn ngân sách được giao hàng năm:

- Kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được bố trí hàng năm trong dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được giao để đào tạo, bồi dưỡng CBCC không thuộc phạm vi quản lý; trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và phân bổ dự toán ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước không thuộc phạm vi quản lý;

- Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng dân tộc...(bao gồm cả tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý) cho các đối tượng CBCC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (bao gồm đào tạo trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác);

- Tuỳ theo khả năng bố trí kinh phí và nhu cầu đào tạo CBCC của mình, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước để hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng là CBCC nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học đại học (và tương đương), sau đại học (và tương đương). Số kinh phí dành cho việc hỗ trợ này tối đa không quá 10% tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương;

- Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC để chi cho bộ máy quản lý công tác đào tạo của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Kinh phí bảo đảm hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước do các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đảm bảo từ kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước hoặc từ kinh phí chi các lĩnh vực sự nghiệp tương ứng đối với các đơn vị sự nghiệp.

II. NỘI DUNG CHI

1. Chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước ở trong nước:

a) Các nội dung chi do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước thực hiện:

- Chi thù lao giảng viên; chi phí cho việc đi lại, bố trí nơi ở cho giảng viên;

- Chi tài liệu học tập cho học viên;

- Hỗ trợ một phần tiền ăn cho học viên trong thời gian học tập trung;

- Chi tổ chức lớp học:

+ Thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập (nếu có);

+ Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi;

+ Chi nước uống phục vụ lớp học;

+ Chi tiền điện, nước, văn phòng phẩm, chi phục vụ, trông xe;

[...]