Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng do Liên bộ Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành

Số hiệu 04/2007/TTLT-BXD-BCA
Ngày ban hành 07/07/2007
Ngày có hiệu lực 16/08/2007
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Xây dựng
Người ký Đinh Tiến Dũng,Trần Đại Quang
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Trách nhiệm hình sự,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2007/TTLT-BXD-BCA

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng;
Bộ Xây dựng và Bộ Công an thống nhất hướng dẫn về phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an trong phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; hướng dẫn về những vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cần phối hợp xử lý.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng hoặc quản lý hoạt động xây dựng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình, hoặc công trình không sử dụng được theo thiết kế;

b) Người có trách nhiệm trong hoạt động xây dựng là người quyết định đầu tư; chủ đầu tư hoặc giám đốc ban quản lý được chủ đầu tư ủy quyền hoặc thuê quản lý; chủ nhiệm đồ án quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế chuyên ngành đồ án quy hoạch xây dựng, thủ trưởng đơn vị lập quy hoạch xây dựng; giám đốc đơn vị tư vấn lập dự án; chủ nhiệm lập dự án đầu tư xây dựng công trình; người có trách nhiệm trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu; giám đốc đơn vị tư vấn khảo sát; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; giám đốc đơn vị tư vấn lập thiết kế; chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình; chủ trì thiết kế xây dựng công trình; giám đốc đơn vị thi công xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám đốc đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình (trong trường hợp chủ đầu tư thuê); người giám sát thi công xây dựng; người có trách nhiệm giám định, thẩm định; người có trách nhiệm thực hiện công việc nghiệm thu, thanh toán; cá nhân khác có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc gây ra hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng;

c) Tự khắc phục hậu quả là việc người có hành vi vi phạm quy định pháp luật về xây dựng gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người khác, về môi trường, trật tự, an toàn xã hội, đã tự nhận trách nhiệm và tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả mà được bên bị thiệt hại chấp nhận cũng như pháp luật cho phép;

d) Dàn xếp thầu là hành vi can thiệp, sắp xếp trái pháp luật về đấu thầu trong hoạt động xây dựng để một nhà thầu trúng thầu;

đ) Mua bán thầu là hành vi của nhà thầu chính hoặc tổng thầu sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hoặc là hành vi của nhà thầu phụ sau khi ký hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu nhưng đem chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc một phần hợp đồng cho nhà thầu khác trái quy định của pháp luật;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc các thiệt hại khác trong hoạt động xây dựng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định, hướng dẫn về hậu quả nghiêm trọng.

4. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng

a) Khi xem xét vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, cơ quan có thẩm quyền, cá nhân tham gia thanh tra, điều tra phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay hình sự để xác định đúng thẩm quyền, áp dụng đúng quy định pháp luật, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;

b) Tổ chức, cá nhân tự nguyện, kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để khắc phục hậu quả trái với quy định của pháp luật;

c) Phải đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; trường hợp cần thiết thì phải tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật;

d) Những người quy định tại điểm b khoản 3 mục I của Thông tư này phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý và tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

1. Nội dung phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng

a) Phối hợp chung

 Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, làm rõ, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; kịp thời cung cấp cho nhau các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau khi ban hành và tình hình vi phạm hành chính hoặc tội phạm trong hoạt động xây dựng.

b) Phối hợp cụ thể

Bộ Xây dựng và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với nhau thực hiện các công việc cụ thể sau:

- Cử người tham gia các đoàn thanh tra hoặc hỗ trợ công tác điều tra khi có yêu cầu của một bên;

[...]