Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn thi hành quy định của Luật tố tụng hành chính về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
Ngày ban hành 01/08/2012
Ngày có hiệu lực 15/09/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Sơn,Nguyễn Thị Thủy Khiêm
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH VỀ KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Luật tố tụng hành chính về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính, bảo đảm tốt mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn thi hành một số điểm như sau:

Chương I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính (sau đây viết tắt là Luật TTHC) về thủ tục tiến hành một số nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính.

Điều 2. Chuyển hồ sơ vụ án hành chính

1. Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp theo quy định của Luật TTHC, trừ trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Việc chuyển hồ sơ vụ án được thực hiện như sau:

a) Tòa án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án theo quy định tại Điều 124 Luật TTHC để mở phiên tòa theo quy định tại khoản 3 Điều 117 Luật TTHC.

b) Tòa án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Tòa án thụ lý vụ án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án theo quy định tại Điều 200 Luật TTHC để mở phiên tòa theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật TTHC.

c) Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Chánh án Tòa án ra quyết định kháng nghị. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 216 và Điều 238 Luật TTHC để mở phiên tòa theo quy định tại Điều 221 hoặc Điều 238 Luật TTHC.

d) Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp xét kháng cáo quá hạn, xét kháng cáo, kháng nghị về phần án phí và phiên họp phúc thẩm đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn (nếu có) hoặc hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp sau khi Tòa án nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu kèm theo hoặc sau khi Tòa án thụ lý để giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để mở phiên họp theo quy định tại Điều 178 hoặc Điều 207 Luật TTHC.

2. Việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện như sau:

Sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.

Chậm nhất là ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm quy định tại Điều 183 Luật TTHC, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm.

3. Khi Tòa án,Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ vụ án được thực hiện như sau:

a) Tòa án cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh có văn bản yêu cầu Tòa án cấp huyện đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ án đó cho Tòa án cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án đó cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.

b) Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm thì Viện kiểm sát chuyển ngay hồ sơ vụ án cùng với quyết định kháng nghị cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 216 hoặc Điều 238 Luật TTHC để mở phiên tòa theo quy định tại Điều 221 hoặc Điều 238 Luật TTHC; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát biết. 

4. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát cùng có yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:

a) Trường hợp cùng nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát hoặc trường hợp đã nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát trước nhưng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho Viện kiểm sát mà lại nhận được yêu cầu của Tòa án thì Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ cho Tòa án có yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có yêu cầu biết.

b) Trường hợp Tòa án hoặc Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước thì trong thời hạn 03 tháng (đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời hạn không quá 06 tháng) kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, nếu Tòa án, Viện kiểm sát không kháng nghị thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:

b.1) Trường hợp Tòa án là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Tòa án không kháng nghị, nếu Viện kiểm sát vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Viện kiểm sát đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.

Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Viện kiểm sát có yêu cầu đã nhận được hồ sơ không kháng nghị thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.

b.2) Trường hợp Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Viện kiểm sát không kháng nghị, nếu Tòa án vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Tòa án đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.

Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Tòa án có yêu cầu đã nhận được hồ sơ không kháng nghị thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.

[...]