Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liên tịch 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP về phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn do Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ ban hành

Số hiệu 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP
Ngày ban hành 16/06/1999
Ngày có hiệu lực 01/07/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Ban Vật giá Chính phủ,Bộ Xây dựng
Người ký Lê Văn Tân,Nguyễn Tấn Vạn
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

 

BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP

Hà Nội , ngày 16 tháng 6 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ XÂY DỰNG - BAN VẬT GIÁ CHÍNH PHỦ SỐ 03/1999/TTLT-BXD-BVGCP NGÀY 16 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ VÀ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP, CỤM DÂN CƯ NÔNG THÔN

Nước sạch là một loại sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và dịch vụ của mọi tầng lớp dân cư. Việc cung cấp để thoả mãn nhu cầu nước sạch cho xã hội, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn rất cấp bách.

Ngày 28 tháng 4 năm 1997, Bộ Xây dựng - Ban Vật giá Chính phủ đã ban hành Thông tư liên bộ số 02/TTLB hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn. Đến nay, do có những thay đổi về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, nguồn vốn đầu tư và tổ chức quản lý của các nhà máy nước, nên cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thi hành Chỉ thị số 40/1998/CT-TTg ngày 14/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và phát triển cấp nước đô thị, Bộ Xây dựng và Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn phương pháp định giá và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch, áp dụng thống nhất tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn trong cả nước như sau:

A. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH:

I. NGUYÊN TẮC VỀ ĐỊNH GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH:

1. Định giá tiêu thụ nước sạch phải thể hiện đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế với đời sống xã hội.

2. Giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ, có xét đến khả năng chi trả của khách hàng và trả nợ vốn vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch duy trì và phát triển;

3. Giá tiêu thụ nước sạch được quy định cụ thể và hợp lý cho từng đối tượng tiêu thụ nước sạch: dùng cho sinh hoạt của các hộ dân cư và các cơ quan hành chính sự nghiệp; dùng cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ (là hộ dùng nước sạch để sản xuất, kinh doanh dịch vụ). Giá tiêu thụ nước sạch theo mục đích sử dụng không phân biệt doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam và người nước ngoài.

II. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THÀNH VÀ GIÁ TIÊU THỤ NƯỚC SẠCH

1. Giá thành sản xuất nước sạch.

Giá thành sản xuất nước sạch bao gồm các khoản mục chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung.

a- Chi phí vật tư trực tiếp: là chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp tạo ra sản phẩm như: Tiền nước thô (đối với các doanh nghiệp phải mua nước thô); Vật liệu phụ cho công tác xử lý nước; Nhiên liệu, động lực;....

Chi phí vật tư được xác định trên cơ sở:

+ Lượng vật tư sử dụng không vượt quá định mức do cấp có thẩm quyền ban hành (Không kể vật tư hao hụt trong thu mua và bảo quản).

+ Giá vật tư: là giá do nhà nước công bố và giá thị trường hợp lý tại thời điểm tính toán.

b- Chi phí nhân công trực tiếp: gồm các khoản trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất nước.

Chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt và số lượng, chất lượng của sản phẩm hoàn thành. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước sạch chưa có đơn giá tiền lương thì căn cứ vào định mức lao động, thang bậc lương hiện hành và tính chất công việc để xác định chi phí tiền lương hợp lý, sau khi được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Chi phí tiền ăn giữa ca phải chi cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn được tính trên cơ sở quỹ tiền lương của doanh nghiệp theo các chế độ hiện hành của Nhà nước.

c- Chi phí sản xuất chung: Là các khoản chi phí chung phát sinh ở các phân xưởng, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp như: tiền lương, phụ cấp, ăn ca trả cho nhân viên phân xưởng, chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất dùng cho phân xưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của cán bộ nhân viên phân xưởng, khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí kể trên.

Khấu hao tài sản cố định dùng ở phân xưởng được xác định trên cơ sở:

- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

Thực hiện việc quản lý, sử dụng và trích KHTSCĐ theo Quyết định số 1062 TC/QĐ/CSTC ngày 14/11/1996 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp lý khác có liên quan.

- Đối với những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn khác:

Thực hiện việc quản lý, sử dụng TSCĐ theo quy định trên; nhưng việc trích KHTSCĐ thực hiện theo thời hạn vay vốn đầu tư của dự án cấp nước bằng vốn vay của nước ngoài, tổ chức tài chính Quốc tế và thời hạn vay vốn của các nguồn vốn khác.

[...]