Thông tư liên tịch 02/2003/TTLT-BKH-BTC hướng dẫn lập kế hoạch tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 02/2003/TTLT-BKH-BTC
Ngày ban hành 17/03/2003
Ngày có hiệu lực 01/04/2003
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng,Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2003/TTLT-BKH-BTC

Hà Nội , ngày 17 tháng 3 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦUTƯ - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 02/2003/TTLT-BKH-BTC NGÀY 17 THÁNG 3 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)

Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình lập kế hoạch tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là chương trình, dự án ODA) như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này bao gồm các quy định hướng dẫn việc lập kế hoạch tài chính đối với các chương trình, dự án ODA trong các giai đoạn vận động ODA; lập, thẩm định phê duyệt chương trình, dự án ODA và chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án ODA

2. Nguyên tắc lập kế hoạch tài chính đối với các chương trình, dự án ODA:

Việc lập kế hoạch tài chính cho các chương trình, dự án ODA phải bảo đảm:

- Tuân thủ các quy định hiện hành của Luật pháp Việt Nam, các cam kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA.

- Huy động vốn ODA và bố trí vốn đối ứng một cách có hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với tiến độ và khả năng thực tế triển khai của chương trình, dự án ODA.

3. Nội dung kế hoạch tài chính của chương trình, dự án ODA:

Bao gồm kế hoạch vốn ODA (vốn vay nợ, vốn viện trợ không hoàn lại, phân theo từng nước hoặc tổ chức tài trợ); vốn trong nước (vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn tín dụng trong nước, vốn tự có của chủ đầu tư, vốn đóng góp của người thụ hưởng dự án và các nguồn vốn khác theo quy định của luật pháp Việt Nam).

4. Phương thức lập kế hoạch tài chính các chương trình, dự án ODA:

4.1. Phù hợp với cơ chế tài chính trong nước, các chương trình, dự án ODA được phân thành các dạng sau:

- Chương trình, dự án ODA được Nhà nước cấp phát từ Ngân sách Nhà nước.

- Chương trình, dự án ODA được Nhà nước cho vay lại.

- Chương trình, dự án ODA được Nhà nước cấp phát một phần và cho vay lại một phần.

4.2. Việc lập kế hoạch tài chính cho toàn bộ hoặc cho một phần chương trình, dự án ODA được Nhà nước cấp phát từ Ngân sách nhà nước được thực hiện theo các hình thức như sau:

a. Các dự án chi đầu tư xây dựng cơ bản phải lập kế hoạch tài chính theo nguồn vốn xây dựng cơ bản.

b. Các dự án có tính chất chi hành chính sự nghiệp phải lập kế hoạch tài chính theo nguồn vốn chi hành chính sự nghiệp, cụ thể theo từng lĩnh vực chi.

c. Trường hợp chương trình, dự án ODA có nội dung chi hỗn hợp cả cấu phần chi xây dựng cơ bản và cấu phần chi hành chính sự nghiệp (sau đây gọi tắt là dự án hỗn hợp) thì việc lập và thực hiện kế hoạch tài chính theo nguyên tắc cấu phần dự án có hình thức chi đầu tư xây dựng cơ bản thì lập kế hoạch, quản lý chi tiêu và quyết toán nguồn vốn theo loại dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), cấu phần dự án có hình thức chi hành chính sự nghiệp (HCSN) thì lập kế hoạch, quản lý chi tiêu và quyết toán nguồn vốn theo loại dự án có tính chất hành chính sự nghiệp.

Trong một số trường hợp đặc biệt nếu một trong hai cấu phần của dự án hỗn hợp là quá nhỏ và chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản dự án có yêu cầu lập kế hoạch tài chính thống nhất theo một trong hai loại dự án (XDCB hoặc HCSN), thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính xem xét và quyết định.

4.3. Trong quyết định đầu tư chương trình, dự án ODA phải quy định rõ chương trình, dự án ODA thuộc hình thức chi XDCB, chi HCSN hay hỗn hợp theo quy định tại mục 4.2 trên.

5. Vốn đối ứng:

Vốn đối ứng được bố trí theo các nội dung qui định tại khoản 12, điều 5 Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ. Cụ thể như sau:

5.1. Tất cả các chương trình, dự án ODA có yêu cầu về vốn đối ứng hàng năm đều phải lập kế hoạch vốn đối ứng. Các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm tổng hợp yêu cầu và lập kế hoạch về vốn đối ứng của các chương trình, dự án ODA do mình trực tiếp quản lý.

5.2. Vốn đối ứng không áp dụng đối với các chương trình, dự án ODA mà trong Điều ước quốc tế ký kết không quy định cụ thể phía Việt Nam phải đóng góp , kể cả vốn góp bằng tiền, bằng hiện vật hay bằng các trách nhiệm khác.

5.3. Các chương trình, dự án ODA thuộc diện Ngân sách nhà nước cho vay lại hoặc chương trình, dự án ODA một phần cấp phát, một phần cho vay lại thì Chủ dự án phải tự bố trí toàn bộ vốn đối ứng và phải giải trình đầy đủ trong quá trình lập và phê duyệt dự án về khả năng đảm bảo vốn đối ứng.

Đối với các dự án thuộc loại trên, chủ dự án được ưu tiên vay vốn đối ứng từ các nguồn tín dụng của Nhà nước và có trách nhiệm hoàn trả vốn vay (gốc và lãi) theo đúng hợp đồng tín dụng.

[...]