Thông tư liên tịch 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT hướng dẫn Nghị định 81/CP về lao động là người tàn tật do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT
Ngày ban hành 31/01/1998
Ngày có hiệu lực 15/02/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng,Trần Đình Hoan,Trần Xuân Giá
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/1998/TT-LTBLĐTBXH-BTC-BKHĐT

Hà Nội , ngày 31 tháng 1 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01/1998/TT-LT BLĐTBXH - BTC - BKHĐT NGÀY 31 THÁNG 01 NĂM 1998 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 81/CP NGÀY 23/11/1995 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI TÀN TẬT

Thi hành Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật lao động về lao động là người tàn tật", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG.

1. Người tàn tật quy định tại Điều 1 Nghị định số 81/CP là người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở lên do tàn tật, được Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền xác nhận.

2. Cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật quy định tại Điều 2, Điều 3 của Nghị định số 81/CP có đủ các điều kiện quy định tại mục II của Thông tư này.

3. Cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu có nghĩa vụ và quyền lợi quy định tại Điều 13, 14, 15 của Nghị định số 81/CP.

II. ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ DẠY NGHỀ, CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI TÀN TẬT.

1. Điều kiện của cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật:

Cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, bao gồm: các trường, trung tâm dạy nghề do Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội hoặc cá nhân lập ra theo quy định của pháp luật, để giúp người tàn tật học nghề, nâng cao tay nghề gắn bó với tạo việc làm, nếu có đủ các điều kiện sau đây được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư này:

a. Cơ sở thường xuyên có ít nhất 70% số học viên là người tàn tật;

b. Có phòng học, thiết bị, phương tiện giảng dạy lý thuyết, cơ sở hướng dẫn thực hành phù hợp với người tàn tật, bảo đảm an toàn vệ sinh;

c. Có chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp tình trạng khuyết tật của người tàn tật;

d. Người dạy nghề phải có các điều kiện dưới đây:

- Người dạy lý thuyết tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp trung học kỹ thuật, nghiệp vụ, có chứng chỉ sư phạm, bồi dưỡng về tâm lý người tàn tật. Các văn bằng chứng chỉ do ngành giáo dục đào tạo cấp.

- Người hướng dẫn thực hành phải có trình độ tay nghề cao hơn ít nhất một bậc so với yêu cầu giảng dạy, có khả năng thực hành nghề thành thạo, hướng dẫn được người tàn tật.

e. Cơ sở phải có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập và giấy phép hoạt động dạy nghề của cơ quan có thẩm quyền cấp, ghi rõ nhiệm vụ của trường, trung tâm dạy nghề cho người tàn tật.

2. Điều kiện của cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật:

Cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật quy định tại Điều 3, của Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hợp tác xã, tổ hợp do người tàn tật lập ra, hoặc được các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội hay cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật, nhằm mục đích tạo việc làm, cải thiện đời sống, phục hồi chức năng cho người tàn tật, nếu có đủ các điều kiện sau đây được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư này:

a. Được thành lập theo quy định của Pháp luật và có tư cách pháp nhân;

b. Trong một cơ sở phải có từ 10 lao động trở lên, trong đó có trên 51% số lao động là người tàn tật;

c. Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của cơ sở phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sức khoẻ của người tàn tật; phải có điều khoản cam kết đảm bảo việc làm và lợi ích của người tàn tật; ghi nhận phần tiền vốn Nhà nước hỗ trợ giao cho cơ sở quản lý, sử dụng vào mục đích chung và được coi là phần vốn góp của Nhà nước dành cho người tàn tật làm việc tại cơ sở. Người tàn tật được hưởng lợi nhuận từ phần vốn này như các phần vốn góp khác tại cơ sở;

d. Ban quản lý điều hành phải có người tàn tật tham gia là trưởng hoặc là phó của cơ sở;

e. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về chế độ kế toán, về đăng ký thuế và nộp thuế theo quy định;

f. Được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật".

III. LẬP QUỸ, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ VIỆC LÀM DÀNH CHO NGƯỜI TÀN TẬT Ở TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập quỹ việc làm dành cho người tàn tật theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Nghị định số 81/CP, để giúp đỡ người tàn tật phục hồi chức năng lao động, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhận người tàn tật vào học nghề, làm việc đạt tỷ lệ cao.

1. Quỹ việc làm dành cho người tàn tật được hình thành từ các nguồn dưới đây:

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ