Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên bộ 04-LB-TT năm 1964 hướng dẫn cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 04-LB-TT
Ngày ban hành 24/02/1964
Ngày có hiệu lực 10/03/1964
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ,Bộ Y tế
Người ký Đinh Thị Cần,Lê Tất Đắc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LB-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CẢI TIẾN TỔ CHỨC CƠ QUAN Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Kính gửi:  Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thi hành chủ trương cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế các cơ quan Nhà nước của Đảng và Chính phủ và căn cứ tinh thần hội nghị tổ chức toàn ngành y tế vào đầu tháng 10-1963 vừa qua liên Bộ Y tế - Nội vụ hướng dẫn một số điểm cụ thể và cải tiến tổ chức bộ máy của cơ quan y tế địa phương nhằm giúp Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tốt công tác đó.

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Cải tiến tổ chức cơ quan y tế địa phương trong cuộc vận động “3 xây 3 chống” là nhằm mục đích, yêu cầu sau đây:

1. Xác định lại nhiệm vụ, chức trách của mỗi cơ quan, đơn vị cho rõ ràng rồi trên cơ sở đó mà sắp xếp tổ chức bộ máy được mạnh, gọn, phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất và tập trung dân chủ, khắc phục tình trạng cồng kềnh, phân tán, nhiều cấp trung gian không cần thiết, ảnh hưởng tới việc phục vụ sức khỏe của nhân dân, phục vụ sản xuất.

2. Cải tiến lề lối làm việc, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ; tăng cường chất lượng cán bộ cho các cơ sở phòng bệnh chữa bệnh, đào tạo cán bộ, phân phối thuốc, sản xuất thuốc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ, nhân viên y tế, bảo đảm hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác y tế địa phương đồng thời giảm nhẹ biên chế gián tiếp sản xuất và biên chế quản lý, phục vụ cơ quan.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ

A. NHIỆM VỤ, CHỨC TRÁCH CỦA SỞ, TY Y TẾ

Sở, Ty Y tế là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính và Bộ Y tế trong việc quản lý công tác y tế theo đường lối phương châm, kế hoạch của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác vệ sinh, phòng bệnh, chữa bệnh nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe của công nhân, cán bộ và nhân dân, cụ thể là:

1. Bảo đảm thực hiện đúng đắn và đầy đủ các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, các thông tư, chỉ thị, quyết định của Hội đồng Chính phủ, của Bộ Y tế và của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác y tế;

2. Căn cứ vào phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá của Nhà nước, của địa phương, xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương, để báo cáo Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Y tế xét, trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn; tổ chức thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm chỉnh khi được Chính phủ phê chuẩn;

3. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh, phòng dịch, chống dịch, chữa bệnh, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học về y và dược; tổ chức, thực hiện kế hoạch công tác phòng và chống các bệnh xã hội, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em; phân phối, sản xuất, chế biến thuốc, thu mua dược liệu;

4. Tổ chức kiểm tra và định kỳ khám sức khỏe cho cán bộ trung cấp, sơ cấp của Đảng và Nhà nước ở địa phương và khám tuyển nghĩa vụ quân sự;

5. Nghiên cứu và trình bày Uỷ ban hành chính quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm công tác vệ sinh phòng dịch, chống dịch ở thành thị, nông thôn, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, cơ quan, trường học, nhà ăn công cộng, đường giao thông, biên giới, cửa bể, sân bay… để ngăn ngừa dịch ở nơi khác tràn vào địa phương mình;

6. Tham gia xét duyệt các thiết kế, thiết bị vệ sinh, phòng bệnh ở các công trình xây dựng của địa phương, các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, cán bộ, nhân dân và trẻ em;

7. Tổ chức kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm nghiệm thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến các loại thực phẩm, cửa hàng ăn uống công cộng về phương diện vệ sinh phòng bệnh để bảo đảm tốt vệ sinh trong ăn uống cho nhân dân;

8. Quản lý toàn diện các cơ sở sự nghiệp y tế, quốc doanh dược phẩm, xí nghiệp dược phẩm trực thuộc Sở, Ty Y tế; chỉ đạo nghiệp vụ các cơ sở sự nghiệp y tế và cửa hàng dược phẩm ở các thành phố thuộc tỉnh, các huyện, khu phố, thị xã, thị trấn và xã cũng như các cơ sở y tế thuộc các ngành khác đặt trong địa phương.

9. Phối hợp chặt chẽ và tích cực giúp đỡ các cấp hội đông y hoạt động được tốt để cùng nhau thúc đẩy công tác kết hợp đông y với tây y trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;

Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các tổ chức tập thể hay cá nhân đông y, đông dược hành nghề theo đúng chủ trương chuyên môn của ngành y tế và chấp hành tốt các chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước;

10. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, lao động tiền lương, tài sản, tài vụ, vật tư v.v… trong ngành y tế theo sự uỷ nhiệm của Uỷ ban hành chính và Bộ Y tế.

B. TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CÁC SỞ, TY Y TẾ

Tổ chức bộ máy của các Sở, Ty Y tế có thể hình thành như sau:

Các Sở, Ty Y tế loại lớn:

- Phòng hành chính quản trị;

- Tổ tổ chức cán bộ;

[...]