Thông tư 11-NV-1966 quy định chế độ trợ cấp đối với công nhân, viên chức kháng chiến đã nghỉ việc từ trước ngày ban hành tài chính sách bảo hiểm xã hội do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 11-NV
Ngày ban hành 20/09/1966
Ngày có hiệu lực 05/10/1966
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Ung Văn Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-NV

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 1966 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC KHÁNG CHIẾN ĐÃ NGHỈ VIỆC TỪ TRƯỚC NGÀY BAN HÀNH TÀI CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội và Thông tư số 84-TTg ngày 20/8/1963 của Hội đồng Chính phủ đã quy định chế độ trợ cấp hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động áp dụng đối với công nhân, viên chức Nhà nước nghỉ việc từ ngày điều lệ được thi hành (1/1/1962).

Nhưng hiện nay ở các địa phương còn có những cán bộ đã tham gia cách mạng lâu năm và công nhân, viên chức đã làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước từ ngày 02/9/1945, vì già yếu đã được các Bộ, các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh cho về hưu hoặc cho thôi việc trong thời gian kháng chiến hoặc sau khi hoà bình lập lại, trước ngày 01/01/1962 nên không được hưởng các chế độ quy định ở các điều lệ bảo hiểm xã hội.

Những cán bộ và công nhân, viên chức nói trên này đã già yếu, mất sức lao động; có người đời sống có nhiều khó khăn. Để giúp đỡ những cán bộ và công nhân, viên chức đã nghỉ việc trên đây được yên tâm nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, đã quyết định chính sách trợ cấp và giao cho Bộ Nội cụ hướng dẫn việc thi hành, nội dung cụ thể như sau.

I. NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH.

Những cán bộ đã hoạt động cách mạng từ trước ngày 19/8/1945 và những công nhân, viên chức đã công tác ở các cơ quan xí nghiệp Nhà nước từ sau ngày 02/9/1945, vì già yếu đã được về hưu hoặc thôi việc trước ngày nghỉ việc đã có từ 5 năm công tác liên tục trở lên nhưng chưa đủ 15 năm, nay nếu đời sống quá khó khăn thì các Ủy ban hành chính địa phương cần có sự quan tâm giúp đỡ, giải quyết công việc làm cho vợ, con để tăng thêm thu nhập. Sau khi chính quyền và đoàn thể địa phương đã tích cực giúp đỡ mà những cán bộ và công nhân, viên chức đó còn khó khăn, túng thiếu thì được trợ cấp hàng tháng từ  12 đồng đến 15 đồng, do qũy xã hội địa phương đài thọ. Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng người để xét và quyết định việc trợ cấp này. Khoản trợ cấp này sẽ phát 3 tháng một lần vào những ngày đầu của mỗi qúy và khi cần thiết sẽ xét lại.

Ngoài trợ cấp hàng tháng, khi ốm đau phải điều trị tại các bệnh viện, bệnh xá, những người này cũng được hưởng chế độ thuốc men và bồi dưỡng như các cán bộ xã đã quy định tại thông tư Liên bộ Nội vụ - Tài chính – Y tế số 18-TT-LB ngày 25/8/1965. Riêng tiền ăn, bệnh nhân  phải trả cho bệnh viện, bệnh xá. Nếu tiền ăn cao hơn tiền trợ cấp được hưởng hàng tháng, thì chỉ phải trả bằng tiền trợ cấp đó. Mọi chi phí nói trên đều do qũy xã hội thuộc ngân sách địa phương đài thọ.

Khi người được hưởng trợ cấp chết, nếu gia đình có khó khăn thì sẽ được Ủy ban hành chính địa phương giúp đỡ trong việc chôn cất.

Những công nhân, viên chức thuộc đối tượng được xét cho hưởng trợ cấp nói trên vẫn giữ được phẩm chất của công nhân, viên chức kháng chiến. Những người sau khi nghỉ việc đã có hành động chống đối chính sách hoặc đã vào vùng tạm chiếm làm việc với đối phương và những người phải thôi việc vì bị kỷ luật thì không được xét để cho hưởng trợ cấp.

II. THỦ TỤC THI HÀNH

1. Những cán bộ và công nhân, viên chức nói trên gửi đến Ủy ban hành chính tỉnh, thành những giấy tờ cần thiết để được xét cho hưởng trợ cấp như:

- Một bản sao quyết định của cơ quan cũ đã cho về hưu hoặc thôi việc, có chứng nhận của Ủy ban hành chính huyện, thị xã.

- Một bản khai quá trình công tác có chứng nhận như trên;

- Một bản khai hoàn cảnh gia đình có chứng nhận của Ủy ban hành chính xã hoặc khu phố.

Ủy ban hành chính tỉnh thành sẽ ra quyết định cho những người xét  đủ điều kiện hưởng trợ cấp kể từ ngày ký quyết định. Ủy ban sẽ cấp cho mỗi người một phiếu lĩnh trợ cấp để khi đi lĩnh tiền sẽ xuất trình với cơ quan cấp phát.

Trong khi xét để những công nhân, viên chức trên đây được hưởng trợ cấp, Ủy ban cần cân nhắc để giữ được mối quan hệ tốt với các đối tượng khác như thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ xã,… để đảm bảo đoàn kết trong nhân dân địa phương. Ở nơi nào có những cán bộ, đảng viên đã tham gia cách mạng lâu năm nhưng chỉ công tác ở xã (không thoát ly) vì già yếu, đã hưởng trợ cấp hàng tháng 12 đồng (theo thông tri số 5 của Ban tổ chức Trung ương) thì đối với những cán bộ và công nhân, viên chức kháng chiến già yếu đã về nghỉ việc nói trên, nếu có khó khăn cũng chỉ được hưởng trợ cấp bằng mức 12 đồng để giữ được tương quan giữa hai đối tượng đó.

Nói chung, những người đã được hưởng trợ cấp sẽ được cấp phát lâu dài, trừ trường hợp đời sống đã ổn định hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương một cách rõ rệt thì được hưởng trợ cấp hết năm đó, năm sau sẽ không được cấp phát nữa. Đối với những người tính đến ngày nghỉ việc đã có từ 10 năm công tác liên tục trở lên thì cần được chiếu cố, để cho hưởng trợ cấp lâu dài, không phải xét lại nữa.

Ủy ban cần tổ chức việc cấp phát để thuận tiện cho người đi lĩnh có kế hoạch theo dõi, đảm bảo việc viện trợ cấp được đúng đối tượng, kịp thời, đến tận tay người được hưởng, tránh để có tình trạng tham ô hoặc nhầm lẫn.

Cứ 6 tháng một lần Ủy ban cần báo cáo về Bộ Nội vụ danh sách những người được hưởng trợ cấp. Nếu lần sau có thêm người hoặc bớt người đi thì báo cáo tiếp.

2. Riêng đối với những cán bộ hoạt động cách mạng lâu năm, vì già yếu, đã nghỉ việc từ trước ngày có chính sách bảo hiểm xã hội, tính đến ngày nghỉ việc đã có từ 15 năm công tác liên tục trở lên, hiện nay cư trú ở địa phương nào thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành nơi đó sẽ thống kê danh sách, xác minh lý lịch và hướng dẫn đương sự làm các giấy tờ cần thiết như sau gửi Bộ Nội vụ xét, cân nhắc để đề nghị cho được hưởng trợ cấp hưu trí. Hồ sơ gồm có:

- Một hồ sơ lý lịch có khai rõ quá trình tham gia cách mạng và được Ban tổ chức tỉnh, thành ủy hoặc Ủy ban hành chính tỉnh, thành xác nhận. Đối với cán bộ miền Nam thì do Uỷ ban Thống nhất trung ương hoặc Ban liên lạc đồng hương xác nhận;

- Một bản sao quyết định của cơ quan đã cho thôi việc, có chứng nhận cuậ của Uỷ ban hành chính huyện, thị xã, khu phố.

Bộ sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể và cùng với các cơ quan có liên quan ấn định mức trợ cấp hàng tháng cho từng người và trả lại Ủy ban tỉnh, thành để cho đương sự được hưởng trợ cấp hưu trí kể từ ngày Ủy ban ký quyết định.

Đề nghị các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh phổ biến ngay chế độ này cho cán bộ và công nhân, viên chức thuộc đối tượng nói trên và hướng dẫn đương sự làm các giấy tờ cần thiết đề được xét cho hưởng trợ cấp. Trong khi thi hành, nếu có những trường hợp khó xét hoặc mắc mứu gì, đề nghị các ủy ban phản ảnh cho Bộ biết để nghiên cứu, góp ý kiến giải quyết.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ


 

 
Ung Văn Khiêm

 

[...]