Thông tư 65-TTg-NC-1964 giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các công trường, xí nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 65-TTg-NC
Ngày ban hành 01/07/1964
Ngày có hiệu lực 16/07/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65-TTG-NC

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC MẤT SỨC LAO ĐỘNG Ở CÁC CÔNG TRƯỜNG, XÍ NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

- Các ông bộ trưởng các bộ, các ông thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ
- Các ông chủ tịch ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh

Hiện nay trong các công trường, xí nghiệp (kể cả các công trường, xí nghiệp của Bộ Quốc phòng) có một số đông công nhân, viên chức ốm đau lâu ngày, sức yếu (trong đó có những người được điều trị, điều dưỡng nhiều lần những sức khoẻ vẫn không hồi phục) nên không tham gia sản xuất được hoặc chỉ tham gia được rất ít.

Căn cứ vào các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành, nhiều xí nghiệp, công trường đã giải quyết cho một số về hưu hoặc thôi việc vì mất sức lao động; nhưng còn một số đông công nhân, viên chức ốm đau, mất sức lao động chưa được giải quyết. Tình hình đó trở ngại lớn đến việc ổn định tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, ảnh hưởng đến việc tăng năng suất, hạ giá thành trong các công trường, xí nghiệp. Mặt khác bản thân các công nhân, viên chức vì yếu đau lâu ngày không tham gia sản xuất được cũng không an tâm phấn khởi, và có nơi lại phát sinh thắc mắc giữa những người sản xuất và người nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến đoàn kết trong nội bộ công trường, xí nghiệp.

Vì vậy việc giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các công trường, xí nghiệp đã trở thành một vấn đề cấp bách; giải quyết được nhanh, tốt sẽ ổn định được tư tưởng cho những người ốm đau và góp phần ổn định tổ chức sản xuất, tổ chức lao động trong các công trường, xí nghiệp.

Căn cứ vào điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội và Thông tư số 84-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các chính sách, chế độ và kế hoạch để giải quyết vấn đề công nhân, viên chức ốm đau, mất sức lao động ở các công trường, xí nghiệp, kể cả các công trường, xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng như sau:

I. VỀ CHÍNH SÁCH

Những công nhân, viên chức ốm đau lâu ngày, mất sức lao động, thì nay được khám lại sức khoẻ để xác định tỷ lệ mất sức lao động và được giải quyết như sau:

1. Những người mất sức lao động từ 60% trở lên thì tuỳ theo điều kiện của từng người sẽ được về hưu hoặc được thôi việc vì mất sức lao động theo đúng như đã quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội và trong Thông tư số 84-TTg ngày 20 tháng 8 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ.

Những người này được hưởng trợ cấp theo chế độ hiện hành. Đối với những công nhân, viên chức là người miền Nam tập kết, nay được về hưu hoặc thôi việc, nếu hàng tháng số tiền được trợ cấp dưới 25 đồng thì được nâng lên 25 đồng theo Chỉ thị số 1000-TTg ngày 09 tháng 8 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Những người mất sức lao động từ 40 đến 59% thì được điều dưỡng. Sau một thời gian điều dưỡng:

- Người nào sức khoẻ đã hồi phục thì sẽ trở lại làm việc, và công trường, xí nghiệp có trách nhiệm sắp xếp công việc thích hợp cho họ;

- Người nào còn ốm yếu, không thể tiếp tục làm việc ở công trường, xí nghiệp nữa, sẽ coi như mất sức lao động trên 60% và được về hưu hoặc được thôi việc như nói ở điểm 1 trên.

Đối với những người ốm đau lâu ngày đã được điều trị, điều dưỡng nhiều lần, nhưng sức khoẻ vẫn không hồi phục, không tham gia sản xuất được, thì không cần điều dưỡng nữa mà có thể coi như mất sức lao động trên 60% để cho về hưu hoặc thôi việc.

3. Để việc giải quyết vấn đề công nhân, viên chức mất sức lao động ở các công trường, xí nghiệp làm được nhanh chóng và thận trọng, nay áp dụng thủ tục sau đây:

a) Ở công trường, xí nghiệp sẽ thành lập “hội đồng giám định sức khoẻ”. Thành phần của hội đồng này gồm có:

- Giám đốc xí nghiệp hoặc trưởng ban chỉ huy công trường làm chủ tịch,

- Cán bộ phụ trách y tế của công trường, xí nghiệp,

- Đại biểu công đoàn của công trường, xí nghiệp,

- Cán bộ theo dõi lao động, tiền lương.

Hội đồng có nhiệm vụ xét và quyết định những trường hợp cho về hưu hoặc thôi việc theo như quy định ở những điểm 1, 2 trên đây.

b) Gặp những trường hợp khó khăn mà “hội đồng giám định sức khoẻ” của công trường, xí nghiệp không quyết định được, hoặc gặp trường hợp người công nhân, viên chức được cho về hưu hoặc thôi việc có khiếu nại, thì công trường, xí nghiệp gửi hồ sơ lên hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố sở tại để khám lại sức khoẻ, xác định tỷ lệ mất sức lao động, đề xuất ý kiến để Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sở tại quyết định. Để giải quyết những trường hợp này được tốt Ủy ban hành chính địa phương sẽ thành lập một hội đồng gồm có:

- Một uỷ viên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố làm chủ tịch,

- Chủ tịch hội đồng giám định y khoa,

- Đại biểu Liên hiệp Công đoàn,

- Đại biểu Sở, Ty Lao động.

[...]