Thông tư 13-NV-1965 về việc áp dụng chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc vì mất sức lao động đối với công nhân, viên chức Nhà nước cho phù hợp với tình hình mới do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 13-NV
Ngày ban hành 23/06/1965
Ngày có hiệu lực 08/07/1965
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Nguyễn Văn Ngọc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-NV

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 1965 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THÔI VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC CHO PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI

Trước âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, hiện nay ở các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, một số công nhân, viên chức được gọi ra nhập ngũ, tái ngũ để làm nhiệm vụ quốc phòng; số người còn lại đương ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để đảm bảo công tác, sản xuất của cơ quan; xí nghiệp. Để thi hành Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân; viên chức Nhà nước phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới nói trên, sau khi đã trao đổi với các bộ và cơ quan có liên quan, Bộ Nội vụ ra thông tư này quy định một số điểm như sau trong việc giải quyết cho công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động:

1. Những công nhân, viên chức đến tuổi về hưu nhưng còn khỏe mạnh, vẫn đảm bảo công tác, sản xuất và yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp còn cần thiết nếu được sự thỏa thuận của đương sự thì được giữ lại để tiếp tục làm việc và hưởng lương như cũ. Những người già yếu không thể tiếp tục làm việc được nữa thì cho về hưu theo chế độ hiện hành.

2. Những công nhân, viên chức là cán bộ khoa học, kỹ thuật, công nhân chuyên nghiệp đã được về hưu và còn khỏe mạnh, nếu do yêu cầu cần thiết, được cơ quan, xí nghiệp mời ra làm việc lại và được sự thỏa thuận của đương sự thì trong thời gian trở lại làm việc sẽ không hưởng trợ cấp hưu trí mà hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp và trợ cấp con (nếu có). Cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp công việc thích hợp để đảm bảo cho họ được hưởng mức lương cũ trước khi về hưu. Trường hợp cá biệt, nếu có người, khi về hưu đã được điều chỉnh lương và mức trợ cấp hưu trí cao hơn tổng số tiền lương và phụ cấp của người đó trước khi về hưu thì được hưởng khoản chênh lệch đó do quỹ bảo hiểm xã hội (phần hưu trí, mất sức lao động) đài thọ. Khi nào yêu cầu công tác không cần thiết nữa, những công nhân, viên chức đó lại được về nghỉ thì lại tiếp tục hưởng trợ cấp hưu trí và được cộng thêm thời gian đã trở lại làm việc vào thời gian công tác liên tục để được tăng thêm tỷ lệ trợ cấp hưu trí, nhưng không có khoản trợ cấp một tháng đầu khi về nghỉ nữa, vì khi về hưu lần trước họ đã được lĩnh rồi.

Cơ quan, xí nghiệp có sử dụng công nhân, viên chức đã về hưu cần báo ngay cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành (nơi cấp phát trợ cấp hưu trí cho đương sự) biết để tạm thời thu lại sổ trợ cấp hưu trí và gửi lại Bộ Nội vụ.

3. Những công nhân, viên chức đã về hưu và được lấy vào làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (một vài tháng) ở các cơ quan, xí nghiệp để phục vụ cho một kế hoạch đột xuất sau đó lại thôi, thì ngoài tiền lương theo hợp đồng đã ký kết, vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí. Thời gian làm hợp đồng ngắn hạn đó không được cộng vào thời gian công tác liên tục như trường hợp trên.

4. Những công nhân, viên chức mất sức lao động 60% trước đây vào diện cho thôi việc, nếu còn đảm bảo được công việc bấy lâu nay vẫn làm và yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp còn cần thiết thì có thể được tạm thời giữ lại để tiếp tục làm việc. Cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp công việc thích hợp với khả năng lao động của anh chị em.

Những người mất sức lao động được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận không thể tiếp tục làm việc được nữa và cơ quan xí nghiệp không thể sắp xếp, điều chỉnh sang việc khác được thì vẫn cho thôi việc theo chế độ hiện hành.

5. Những công nhân, viên chức mất sức lao động từ 40% đến 59% ở các xí nghiệp, công trường thì cần được tiếp tục điều dưỡng để mau chóng phục hồi sức khỏe trở lại làm việc như đã quy định ở Thông tư số 65-TTg/NC ngày 1-7-1964 của Thủ tướng Chính phủ. Nơi nào trước đây đã tổ chức cho anh chị em điều dưỡng tập trung, nay do tình hình mới không có điều kiện duy trì tổ chức đó thì cần có kế hoạch chuyển hướng cho điều dưỡng phân tán hoặc tại cơ sở (nhưng không nên cho về điều dưỡng tại gia đình) và tăng cường bồi dưỡng để anh chị em chóng lại sức, trở lại làm việc. Những người đã được đi điều dưỡng, điều trị nhiều lần mà sức khỏe không phục hồi thì vẫn cho thôi việc theo chế độ hiện hành.

6. Những công nhân, viên chức mất sức lao động đã nghỉ việc và hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng dù chưa quá hai năm kể cả những người đã về hưu theo thông tư 84-TTg ngày 20-8-1963 của Hội đồng Chính phủ, nếu nay được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận sức khỏe đã phục hồi và xét có đủ điều kiện được tuyển dụng trở lại làm việc thì tùy theo yêu cầu cần thiết và tình hình cụ thể của từng người, các cơ quan, xí nghiệp có thể tái tuyển cho họ trở lại làm việc, hoặc đề nghị bộ, ngành chủ quản, Ủy ban hành chính và cơ quan lao động địa phương nghiên cứu sắp xếp  công việc thích hợp. Ban tổ chức dân chính cần có kế hoạch phối hợp với Hội đồng giám định y khoa và cơ quan lao động địa phương để tổ chức khám lại sức khỏe và giải quyết công việc làm cho những anh chị em này.

Sau khi những người nói trên đã được trở lại làm việc, có lương tháng rồi hoặc đã tự tìm được công việc làm chắc chắn, đảm bảo đời sống rồi, thì Ủy ban hành chính là cơ quan quản lý trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ thu hồi sổ trợ cấp mất sức lao động (hoặc sổ hưu trí, đối với những người đã nghỉ việc theo thông tư 84-TTg) để gửi trả lại Bộ Nội vụ, không cấp phát trợ cấp nữa.

Trên đây là một số biện pháp cần thiết để giải quyết đối với công nhân, viên chức về hưu và thôi việc vì mất sức lao động cho thích hợp với tình hình hiện nay. Đề nghị các bộ, các ngành và các Ủy ban hành chính địa phương nghiên cứu áp dụng. Trong khi thi hành, nếu có gặp khó khăn gì, xin phản ánh cho Bộ Nội vụ để nghiên cứu góp ý kiến giải quyết.

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 


Nguyễn Văn Ngọc