Thông tư 82/2007/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành.

Số hiệu 82/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 12/07/2007
Ngày có hiệu lực 17/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 82/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12  tháng 7  năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI CỦA NƯỚC NGOÀI THUỘC NGUỒN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (sau đây gọi tắt là viện trợ nước ngoài) thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước, bao gồm:

1.1 Viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương:

1.1.1 Viện trợ của nước ngoài (các chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên quốc gia...) cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Việt Nam với Nhà tài trợ nước ngoài (sau đây gọi tắt là ODA không hoàn lại). 

1.1.2 Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức khác và cá nhân người nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, cho các cơ quan dưới đây và thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các tổ chức nhân dân (quy định tại điều 6 điểm 1 và 2 Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài):

(a) các cơ quan của Chính phủ (các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ);

(b) các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

(c) Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

(d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 

(đ)  các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc các cơ quan nói trên;

1.2 Viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách địa phương, bao gồm:

1.2.1 Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức khác và cá nhân người nước ngoài, trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, cho các địa phương và thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (quy định tại điều 6 điểm 2 Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài).

1.2.2 Các khoản viện trợ trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa địa phương trong nước và địa phương nước ngoài.

2. Các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khác và cá nhân người nước ngoài trực tiếp cho và thuộc thẩm quyền phê duyệt của các tổ chức ngoài nhà nước của Việt Nam (bao gồm các tổ chức Liên hiệp Hội, Tổng hội, Hội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các tổ chức pháp nhân do Liên hiệp Hội, Tổng hội, Hội lập ra...), là nguồn thu của các tổ chức ngoài nhà nước nói trên, không thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước và không thuộc phạm vi hướng dẫn của Thông tư này.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan trung ương của Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Uỷ ban nhân dân các địa phương; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc các cơ quan nói trên.

III. CÁC HÌNH THỨC VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI:

1. Viện trợ không hoàn lại bằng hiện vật:

1.1  Viện trợ không hoàn lại bằng hiện vật bao gồm:

a) Các công trình xây dựng cơ bản thực hiện theo hinh thức “chìa khoá trao tay” (kể cả rừng cây lâu năm) trong khuôn khổ các chương trình, dự án viện trợ nước ngoài;

b) Trang thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu, đồ dùng và các loại hàng hoá.

1.2 Viện trợ không hoàn lại bằng hiện vật có thể được cung cấp theo các chương trình, dự án cụ thể hoặc viện trợ phi dự án (viện trợ lẻ, viện trợ nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh...).

2. Viện trợ không hoàn lại bằng tiền:

[...]