Thông tư 81/2011/TT-BTC hướng dẫn quy định của Quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị kèm theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 81/2011/TT-BTC
Ngày ban hành 09/06/2011
Ngày có hiệu lực 01/08/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 81/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA QUY CHẾ TÀI CHÍNH PHỤC VỤ DI DỜI CÁC CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC CƠ SỞ PHẢI DI DỜI THEO QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 86/2010/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số quy định của Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số quy định của Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Quy chế 86), gồm:

1. Xử lý đất, tài sản gắn liền với đất tại vị trí sau khi di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (sau đây gọi chung là vị trí cũ);

2. Quản lý, sử dụng nguồn vốn thu được từ vị trí cũ;

3. Ứng trước vốn để thực hiện dự án đầu tư tại vị trí các cơ sở di dời đến (sau đây gọi chung là vị trí mới) và hoàn trả vốn ứng trước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có vốn nhà nước đang quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị thuộc Danh mục phải di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời).

2. Đối với các cơ sở ngoài công lập, tổ chức và doanh nghiệp không có vốn nhà nước thì việc tạo nguồn vốn, quản lý và sử dụng nguồn vốn thu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế 86 và quy định của pháp luật có liên quan, không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. Ban chỉ đạo di dời

Điều 3. Thành phần của Ban chỉ đạo di dời

1. Ban chỉ đạo di dời của Bộ, cơ quan trung ương:

Căn cứ số lượng, mức độ phức tạp của việc di dời các cơ sở thuộc phạm vi quản lý thuộc Danh mục các cơ sở phải di dời đã được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là Bộ, cơ quan trung ương) thành lập Ban chỉ đạo di dời của Bộ, cơ quan trung ương. Thành phần gồm:

- Lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương - Trưởng ban;

- Lãnh đạo đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ di dời các cơ sở thuộc phạm vi quản lý - Phó trưởng ban thường trực;

- Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có vị trí cũ) - Phó trưởng ban;

- Đại diện các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có vị trí mới); cơ quan khác có liên quan - Thành viên.

2. Ban chỉ đạo di dời của địa phương:

a) Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập Ban chỉ đạo di dời của địa phương. Thành phần gồm:

- Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố - Trưởng ban;

- Lãnh đạo Sở Tài chính - Phó trưởng ban;

- Đại diện các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc; các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan khác có liên quan - Thành viên.

[...]