THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 7-LĐTBXH/TT NGÀY
11-4-1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NGÀY 23-6-1994
VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 195-CP NGÀY 31-12-1994 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI
GIỜ NGHỈ NGƠI.
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày
23-6-1994 và Nghị định số 195-CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số Điều của Bộ Luật Lao động về thời giờ làm việc, thời
giờ nghỉ ngơi; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số
điều cụ thể như sau:
I. THỜI GIỜ
LÀM VIỆC
Thời giờ làm việc nêu tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 195-CP là thời giờ làm việc
bình thường áp dụng chung cho mọi đối tượng lao động.
Thời giờ làm việc trong điều kiện
lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được rút ngắn từ một đến hai giờ
quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 195-CP do Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc thoả thuận.
II. THỜI GIỜ
NGHỈ NGƠI
1. Nghỉ giữa
ca.
Thời gian nghỉ giữa ca nêu tại Điều 7 của Nghị định số 195-CP được coi là thời giờ làm việc
trong ca liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ; 6 giờ
liên tục trong trường hợp được rút ngắn. Thời gian nghỉ cụ thể tuỳ thuộc vào tổ
chức lao động của đơn vị, doanh nghiệp, không nhất thiết mọi người lao động phải
nghỉ cùng một lúc giữa ca.
2. Nghỉ hàng
năm
a) Thời gian để tính nghỉ hàng
năm là theo năm dương lịch:
- Nếu người lao động có thời gian
làm việc đủ 12 tháng kể cả thời gian được coi là thời gian làm việc quy định tại
Khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 195-CP, thì được nghỉ hàng
năm đủ số ngày quy định tại Điều 74 của Bộ Luật Lao động.
- Nếu chưa đủ 12 tháng, thì ngày
nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm.
- Trong một năm làm việc, người
lao động có tổng thời gian nghỉ (cộng dồn) do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
quá 6 tháng (144 ngày làm việc); hoặc nghỉ do ốm đau quá 3 tháng (72 ngày làm
việc), thì thời gian đó không được tính để hưởng chế độ nghỉ hàng năm của năm ấy.
b) Mức nghỉ hàng năm.
Thời gian nghỉ hàng năm: 12; 14
hoặc 16 ngày là ngày làm việc người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương
quy định như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người
lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
- 14 ngày làm việc đối với:
+ Người làm công việc nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm.
+ Người lao động dưới 18 tuổi.
+ Người làm công việc trong điều
kiện lao động bình thường ở vùng có hệ số phụ cấp khu vực 0,70 trở lên theo quy
định tại Thông tư số 15-LĐTBXH/TT ngày 2-6-1993 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và các văn bản bổ sung.
Ví dụ: Công nhân A đang làm công
việc có điều kiện lao động bình thường, hàng năm được nghỉ ở mức 12 ngày/năm.
Năm 1995 công ty cử công nhân A lên làm việc ở vùng có hệ số phụ cấp khu vực
0,70, thì thời gian nghỉ hàng năm của năm 1995 của công nhân A được nghỉ 14
ngày.
- 16 ngày làm việc đối với:
+ Người làm công việc đặc biệt nặng
nhọc, độc hại, nguy hiểm.
+ Người làm công việc nặng nhọc,
độc hại, nguy hiểm ở vùng có hệ số phụ cấp khu vực 0,70 trở lên.
Ví dụ: Kỹ sư A và kỹ sư B đang
làm việc ở văn phòng Viện Nghiên cứu hạt nhân mức nghỉ hàng năm là 12 ngày. Năm
1995 kỹ sư A được điều xuống làm việc 5 tháng và kỹ sư B được điều xuống làm việc
7 tháng ở một cơ sở làm công việc có quy định nghỉ hàng năm là 16 ngày. Như vậy
năm 1995 kỹ sư A được nghỉ hàng năm 12 ngày, kỹ sư B được nghỉ hàng năm 16
ngày.
Trong một năm, người lao động
làm việc đủ 12 tháng, nếu có thời gian làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy
hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc vùng có mức phụ cấp khu vực
nói trên từ 6 tháng trở lên thì cũng được nghỉ hàng năm ở mức 14 ngày, hoặc 16
ngày.
c) Tính ngày đi đường:
Thời gian đi đường được tính
thêm tại Khoản 3 của Điều 9 trong Nghị định số 195-CP chỉ
tính một lần trong mỗi năm làm việc của người lao động. Nếu trong một năm người
lao động chia kỳ nghỉ hàng năm ra nhiều lần nghỉ, thì chỉ được tính thời gian
đi đường một lần.
Trong thời gian đi đường hoặc ở
nơi nghỉ hàng năm, người lao động bị ốm đau, phải chờ đợi do gặp thiên tai
(bão, lụt), hoả hoạn, hoặc cần phải thực hiện công việc theo yêu cầu khẩn cấp về
an ninh, quốc phòng, nếu có xác nhận của chính quyền sở tại nơi xảy ra sự cố,
thì thời gian đó được coi là thời gian nghỉ hợp pháp. Việc trả lương cho những
ngày nghỉ này do người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận và được
ghi nhận trong hợp đồng lao động hoặc trong thoả ước lao động tập thể. Riêng
trường hợp ốm đau thì thời gian đó được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định
hiện hành.
d) Thanh toán tiền tàu, xe và tiền
lương ngày đi đường.
Người làm việc ở những vùng xa
xôi hẻo lánh (vùng núi cao, vùng sâu, hải đảo xa theo danh mục của Uỷ ban Dân tộc
và Miền núi quy định tại Quyết định số 21-UB/QĐ ngày 26-1-1993 và các quyết định
bổ sung), được người sử dụng lao động thanh toán tiền tàu, xe và tiền lương cho
những ngày đi đường ở trong nước trong trường hợp nghỉ hàng năm để đi thăm vợ
hoặc chồng; con; bố, mẹ (kể cả bên chồng hoặc bên vợ).
3. Tính ngày
nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc.
a) Thâm niên làm việc.
Thâm niên làm việc để được tính
thêm ngày nghỉ hàng năm là tổng số năm thực tế người lao động đã làm việc cho một
người sử dụng lao động hoặc với một doanh nghiệp theo Điều 75 của
Bộ Luật Lao động bao gồm cả thời gian học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp
đó. Trong trường hợp có gián đoạn, thì thâm niên làm việc bằng tổng số năm thực
tế làm việc theo từng giai đoạn với một người sử dụng lao động hoặc một doanh
nghiệp. Thâm niên này tính như sau:
- Người lao động đang làm việc
trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì thâm niên làm việc được tính bằng
tổng số năm thực tế làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị lực
lượng vũ trang (đối với người đã chuyển ngành) trừ thời gian người lao động đã
được tính để hưởng chế độ thôi việc theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9-10-1989
hoặc theo Quyết định số 111-HĐBT ngày 12-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là
Chính phủ), và Thông tư số 88-TTg ngày 1-10-1964 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ
trợ cấp xuất ngũ; chế độ hưu trí, mất sức và thời gian nghỉ với lý do khác mà
không hưởng lương và chế độ bảo hiểm xã hội.
Ví dụ: Cán bộ A vào làm việc
trong doanh nghiệp Nhà nước từ tháng 1 năm 1975 cho đến 1-1990 thì chuyển sang
làm việc ở doanh nghiệp tư nhân. Tháng 1-1994 lại chuyển về cơ quan của Nhà nước.
Khi thực hiện chế độ nghỉ hàng năm năm 1995, cán bộ A được tính số năm làm việc
để tính thêm ngày nghỉ hàng năm như sau:
Từ tháng 1 năm 1975 đến tháng 1
năm 1990 = 15 năm
Từ tháng 1 năm 1994 đến tháng 12
năm 1995 = 2 năm
Tổng số năm làm việc của cán bộ
A để tính thêm ngày nghỉ hàng năm là 17 năm.
- Công nhân, viên chức trong các
cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước chuyển đến làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp
thuộc thành phần kinh tế khác, tổ chức, cá nhân có thuê mướn lao động, các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức Quốc tế thì số năm thực
tế làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước có thể được tính vào thâm niên
làm việc để tính thêm ngày nghỉ hàng năm nếu được người sử dụng lao động đồng ý
và được ghi nhận trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong hợp đồng lao động.
- Người lao động đang làm việc
trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế khác, tổ chức, cá nhân có
thuê mướn lao động, thì thâm niên làm việc là tổng số năm thực tế làm việc cho
một đơn vị, một doanh nghiệp hoặc một cá nhân đó.
- Người lao động đang làm việc
trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các doanh nghiệp trong khu chế
xuất, khu công nghiệp; các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức Quốc tế tại
Việt Nam, thì thâm niên làm việc là tổng số năm thực tế làm việc cho một doanh
nghiệp, một cơ quan, hoặc một tổ chức đó.
Ví dụ: Cán bộ B đã làm việc ở cơ
quan Nhà nước từ năm 1975 đến năm 1994, sau đó cán bộ B được chuyển sang làm việc
ở doanh nghiệp liên doanh thì mốc thời điểm tính thâm niên cho cán bộ B là từ
năm 1994, nhưng cũng có thể tính từ năm 1975 nếu người sử dụng lao động của
doanh nghiệp đồng ý.
b) Cách tính ngày nghỉ hàng năm
được tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau:
Người lao động cứ có 5 năm làm
việc cho một người sử dụng lao động hoặc một doanh nghiệp thì được tính nghỉ
thêm 1 ngày làm việc được hưởng nguyên lương, số ngày nghỉ thêm nhiều hay ít phụ
thuộc vào số năm thực tế làm việc, cụ thể như sau:
- Có dưới 5 năm làm việc thì nghỉ
hàng năm theo tiêu chuẩn tại Điều 74 Bộ Luật Lao động;
- Có đủ 5 năm đến dưới 10 năm
thì được nghỉ thêm 1 ngày;
- Có đủ 10 năm đến dưới 15 năm
thì được nghỉ thêm 2 ngày;
- Có đủ 15 năm đến dưới 20 năm
thì được nghỉ thêm 3 ngày;
- Có đủ 20 năm đến dưới 25 năm
thì được nghỉ thêm 4 ngày;
- Có đủ 25 năm đến dưới 30 năm
thì được nghỉ thêm 5 ngày;
- Có đủ 30 năm đến dưới 35 năm
thì được nghỉ thêm 6 ngày;
4. Số ngày nghỉ hàng năm được hưởng
lương theo Điều 11 của Nghị định được tính như sau:
Số
ngày nghỉ hàng năm được hưởng lương
|
=
|
Số
ngày nghỉ tiêu chuẩn (12;14 hoặc 16 ngày)
|
+
|
Số
ngày nghỉ tăng thêm theo thâm niên
|
x
|
Số
tháng đã làm việc trong năm
|
12
|
Kết quả lấy tròn số hàng đơn vị
(nếu số lẻ lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn 1 đơn vị, nếu nhỏ hơn 0,5 thì bỏ).
Ví dụ: Công nhân A có mức nghỉ
hàng năm theo quy định tại Điều 74 Bộ Luật Lao động là 14
ngày. Công nhân A vào làm việc ở doanh nghiệp từ tháng 1 năm 1972. Tháng 7 năm
1995, công nhân A được nghỉ chế độ hưu. Số ngày nghỉ hàng năm 1995 của công
nhân A được tính như sau:
Ngày nghỉ theo thâm niên từ 1995
- 1972 ứng với 4 ngày nghỉ thêm.
Số ngày được tính là: [(14 + 4):
12] x 7 tháng = 10,5
Lấy tròn là 11 ngày nghỉ được hưởng
nguyên lương.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1995. Những quy định trước đây trái thông tư này đều
bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết.
|
BỘ
TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Trần Đình Hoan
|