Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 66/2001/TT-BTC sửa đổi Thông tư 85/1998/TT-BTC hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 66/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 22/08/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 66/2001/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 8 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ SỐ 85/1998/TT-BTC NGÀY 25/6/ 1998 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Quyết định số 100/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 20/1998/QĐ-TTg ngày 26 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc sửa đổi điểm 1, điểm 2, điểm 4.1 (mục III) và điểm 4 (mục IV) của phần III Thông tư số 85/1998/TT-BTC ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

I/ VỀ CHI PHÍ QUẢN LÝ THƯỜNG XUYÊN CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM:

1. Chi phí quản lý thường xuyên của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được lấy từ lãi thu được do thực hiện các hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và được tính bằng 4% trên số thực thu bảo hiểm xã hội hàng năm. Tỷ lệ này được áp dụng trong 2 năm 2001-2002.

Các khoản chi hoạt động quản lý thường xuyên ( có biểu chi tiết kèm theo ) bao gồm cả chi nghiên cứu khoa học, chi đào tạo, đào tạo lại; không bao gồm các khoản chi sửa chữa lớn tài sản cố định, chi mua ô tô và mua sắm các tài sản theo các dự án đầu tư.

2. Chi phí quản lý hoạt động thường xuyên của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau :

- Tổng số chi quản lý thường xuyên toàn ngành không vượt quá 4% số thực thu bảo hiểm xã hội trong năm.

- Đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các đơn vị trực thuộc.

- Mức chi gắn với nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, điều kiện hoạt động của từng đơn vị.

- Tập trung kinh phí ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và bổ sung thêm tiền lương cho cán bộ, công chức theo kết quả công việc đã thực hiện, nhưng không mang tính bình quân.

3. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thời lập dự toán chi quản lý thường xuyên tương ứng với nguồn kinh phí được trích 4% theo kế hoạch thu, trình Hội đồng quản lý phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tạm ứng từ quỹ BHXH để cấp kinh phí hoạt động cho các đơn vị. Cuối năm, căn cứ vào số thực thu bảo hiểm xã hội toàn ngành để xác định tổng số được trích chi phí quản lý bộ máy toàn ngành; đồng thời Bảo hiểm xã hội Việt Nam dùng nguồn lãi thu được do hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH trong năm để hoàn trả kinh phí chi quản lý bộ máy đã tạm ứng từ quỹ BHXH.

Trường hợp số thu không đảm bảo dự toán đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải giảm số chi tương ứng trong năm, hoặc chuyển sang giảm dự toán chi của năm tiếp theo.

4. Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, tăng thu, tiết kiệm chi phí quản lý thường xuyên, thì số kinh phí dôi ra ( số được trích 4% trừ số chi thực tế ) được sử dụng để bổ sung các khoản chi sau:

a. Bổ sung tiền lương, tiền công cho người lao động trong toàn ngành theo mức độ hoàn thành công việc, nhưng mức thu nhập tối đa không quá 2 lần so với quỹ tiền lương theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trong đó, quỹ tiền lương được xác định như sau:

- Tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức trong tổng số biên chế được Ban tổ chức cán bộ Chính phủ thông báo, quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

- Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại.

- Phần lương tăng thêm của cán bộ, công chức do nâng bậc theo niên hạn.

b. Chi tiền lương, tiền công cho lao động hợp đồng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hoàn thành công việc.

c. Bổ sung hai quỹ khen thưởng và phúc lợi không quá 3 tháng lương thực tế bình quân toàn ngành.

d. Bổ sung thêm trợ cấp cho người lao động trong hệ thống khi thực hiện chính sách sắp xếp lao động, tinh giảm biên chế theo chế độ Nhà nước quy định.

e. Phần còn lại (nếu có) sau khi chi 4 nội dung trên được chuyển cộng chung vào nguồn dự toán năm sau để phân bổ, tiếp tục sử dụng.

5. Nhà nước quản lý biên chế đối với số cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý khung của hệ thông Bảo hiểm xã hội Việt Nam ( do Ban tổ chức cán bộ Chính phủ thông báo ). Bảo hiểm xã hội Việt Nam được chủ động sắp xếp, tổ chức và tuyển dụng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động để đáp ứng nhu cầu công việc.

6. Việc đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn tính theo hệ số mức lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

II. VỀ VIỆC PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG TIỀN SINH LỢI DO HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI:

Tiền sinh lời do hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội được phân bổ, sử dụng như sau:

1. Trích 50% bổ sung vào quỹ BHXH để bảo toàn và tăng trưởng.

[...]