Thông tư 64/2011/TT-BGTVT Quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 64/2011/TT-BGTVT
Ngày ban hành 26/12/2011
Ngày có hiệu lực 09/02/2012
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/2011/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch giao thông; hoạt động đầu tư, xây dựng công trình giao thông; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện vận tải để lưu hành; hoạt động vận tải.

Điều 3. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông

1. Công tác quy hoạch

Tổ chức, cá nhân khi xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án; ưu tiên phát triển vận tải công cộng, phát triển phương tiện vận tải khối lượng lớn, hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt, đường thủy, phương tiện vận tải khác); quan tâm khả năng kết nối các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

2. Đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông

a) Khuyến khích tổ chức, cá nhân khi tham gia thiết kế, lập dự án đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải lựa chọn hướng tuyến có cự ly ngắn, lợi dụng dòng chảy, hạn chế độ dốc; lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nhằm giảm khối lượng vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

b) Đơn vị tổ chức thi công có trách nhiệm: áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu trong dự án đã được phê duyệt; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công.

c) Đơn vị nhận bàn giao khai thác, sử dụng công trình giao thông có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì theo quy định, duy trì tình trạng kỹ thuật của công trình nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu trong khai thác vận tải.

Điều 4. Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải

1. Tổ chức vận tải

a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi xây dựng phương án tổ chức vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án. Ưu tiên các phương án: rút ngắn cự ly vận chuyển, nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, hệ số lợi dụng quãng đường.

b) Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải; kết hợp các phương thức vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải tại đơn vị.

2. Đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải

Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có trách nhiệm:

a) Xây dựng và thực hiện định mức tiêu thụ nhiên liệu tại doanh nghiệp; hàng năm cập nhật, hoàn thiện định mức nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật.

b) Xây dựng định ngạch và thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng tại doanh nghiệp nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

c) Tuân thủ niên hạn sử dụng của phương tiện vận tải và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không bảo đảm mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới trong giao thông vận tải.

Tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành được kết hợp các nguồn lực theo quy định hiện hành để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động giao thông vận tải.

[...]