Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 59/2018/TT-BGTVT
Ngày ban hành 17/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2018/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU

Căn cứ Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 04/2017/QĐ-Ttg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy (sau đây viết tắt là xe) được sản xuất, lắp ráp mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với

a)  Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b)  Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của cơ quan ngoại giao, lãnh sự;

c)  Xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe;

đ) Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;

d)  Xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe; tổ chức liên quan đến thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán nhãn năng lượng xe.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ quy định tại Thông tư này được hiểu như sau:

1. Nhãn năng lượng của xe (sau đây viết tắt là nhãn năng lượng) là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

2. Mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe (mức tiêu thụ nhiên liệu) là lượng nhiên liệu tiêu hao của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định. Đơn vị đo mức tiêu thụ nhiên liệu là lít (l)/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là xăng, LPG và điêzen) hoặc mét khối (m3­)/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là NG).

3. Xe mô tô, xe gắn máy được định nghĩa tại mục 1.3.1, mục 1.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy - QCVN 14:2015/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

4. Kiểu loại xe được định nghĩa tại các văn bản sau đây:

a) Mục 1.3.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới - QCVN 04:2009/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (sau đây viết tắt là QCVN 04:2009/BGTVT);

b) Mục 1.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới - QCVN 77:2014/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (sau đây viết tắt là QCVN 77:2014/BGTVT).

[...]