BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
58/2020/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày
12 tháng 6 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ XỬ
LÝ VỤ VIỆC CẠNH TRANH
Căn cứ Luật Phí
và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật
Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cạnh
tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ
phí;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng
Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy
định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh.
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này
quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh
tranh, gồm: phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh
tranh.
2. Thông tư này áp dụng
đối với:
a) Tổ chức, cá nhân
khi được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan; thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh
tranh.
b) Cơ quan có thẩm quyền
giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thẩm định
hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh.
c) Tổ chức, cá nhân
khác có liên quan đến thu, nộp phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ
việc cạnh tranh.
Điều
2. Người nộp phí
Người nộp phí theo quy
định tại Thông tư này bao gồm:
1. Người có yêu cầu độc
lập tham gia trong các vụ việc cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh.
2. Người nộp hồ sơ đề
nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định
tại Điều 16 Luật Cạnh tranh.
Điều
3. Tổ chức thu phí
Cơ quan có thẩm quyền
giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thẩm định
hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh trực thuộc Bộ Công
Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia)
thu phí theo quy định tại Thông tư này.
Điều
4. Mức thu phí
1. Mức phí áp dụng kể
từ ngày có hiệu lực của Thông tư này đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020:
a) Phí giải quyết yêu
cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc.
b) Phí thẩm định hồ sơ
hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.
2. Mức thu phí áp dụng
kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi:
a)
Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
10.000.000 đồng/vụ việc.
b)
Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh:
50.000.000 đồng/hồ sơ.
Điều
5. Kê khai, nộp phí
1. Người nộp phí thực
hiện nộp phí như sau:
a) Khi có yêu cầu
độc lập tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan, người có yêu cầu độc lập phải nộp tạm ứng 100% mức phí theo mức quy
định tại Điều 4 Thông tư này. Người có yêu cầu độc lập phải chịu phí đối với
yêu cầu độc lập của họ nếu yêu cầu đó không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Trường hợp được chấp nhận, người có yêu cầu độc lập được trả lại số tiền phí tạm
ứng đã nộp.
b) Khi nộp hồ sơ đề
nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, người nộp hồ
sơ phải nộp 100% mức phí theo mức quy định tại Điều 4 Thông tư này và không được
hoàn trả trong mọi trường hợp.
2.
Tố chức thu phí thực hiện kê khai, nộp phí như sau:
a) Chậm nhất là ngày
05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào
tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.
b)
Tổ chức thu phí thực hiện kê khai phí theo tháng, quyết toán phí theo năm theo
quy định tại khoản 3 Điều
19 và nộp phí theo quy định tại khoản
2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày
06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.
Điều
6. Quản lý và sử dụng phí
1. Tổ chức thu
phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân
sách nhà nước hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc cung cấp dịch vụ và
thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ,
định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tổ
chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại Điều
4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại
90% tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí và thu phí theo quy định tại
Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016
của Chính phủ. Số tiền phí còn lại 10% phải nộp vào ngân sách nhà nước theo Mục
lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều
7. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này
có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử
lý vụ việc cạnh tranh.
2. Các nội dung
khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí không quy định tại
Thông tư này thực hiện theo quy định tại Luật
Phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP
ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Phí và lệ phí; Thông
tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm
2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính
phủ; Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15
tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản
lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
3. Trường hợp các
văn bản quy phạm pháp luật quy định viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế.
4. Tổ chức, cá
nhân thuộc đối tượng nộp phí và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, tổ
chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Trung
ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài chính, Cục Thuế, KBNN thành phố Hà Nội;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Lưu VT, CST(CST 5)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Thị Mai
|