Thông tư 57-TC/TCT năm 1992 hướng dẫn Chỉ thị 01-TTg về các biện pháp xử lý đối với hàng hoá trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh và nhập lậu do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 57-TC/TCT
Ngày ban hành 14/10/1992
Ngày có hiệu lực 14/10/1992
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57-TC/TCT

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 1992

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 57-TC/TCT NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 01-TTG NGÀY 06 THÁNG 10 NĂM 1992 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thi hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 về một số biện pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh quản lý các dịch vụ xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước, sau khi thống nhất với Bộ Thương mại và Du lịch, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan và Ban quản lý thị trường Trung ương, Bộ Tài chính hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với hàng hoá trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh và nhập lậu quy định tại các điểm 3, 4, 5 và 7 trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như sau:

I- CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ XỬ LÝ

Theo quy định tại Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ thì hàng hoá xuất nhập khẩu trong các trường hợp sau đây đều bị xử lý theo hướng dẫn tại Thông tư này:

1. Đối với ô tô, xe 2 bánh gắn máy trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đã đưa vào Việt Nam nhưng bị đình chỉ theo diện số 189 ngày 13 tháng 8 năm 1992 và quy định tại điểm 3 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Đối với các hàng hoá khác (ngoài ô tô, xe máy) đã được nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, quá cảnh và chuyển khẩu đưa vào nước ta không đúng với quy định ở điểm 2 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.

II- CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ CỤ THỂ

1. Đối với số xe ô tô, xe 2 bánh gắn máy và các hàng hoá khác đã bị tạm giữ theo quy định tại diện số 189 ngày 13 tháng 8 năm 1992 và quy định tại điểm 3, điểm 4 của Chỉ thị số 01-TTg ngày 6 tháng 10 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay chủ hàng không đến cơ quan công an nơi tạm giữ để khai báo và nộp hồ sơ thì coi như hàng nhập lậu và bị tịch thu.

2. Đối với các chủ hàng là doanh nghiệp đã được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp được xử lý như sau:

2a. Trường hợp các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu và được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập tái xuất, phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ sau đây:

(1) Giấy phép tạm nhập, tái xuất của Bộ Thương mại và Du lịch có đóng dấu tạm nhập tái xuất.

(2) Tờ khai hàng xuất nhập khẩu theo mẫu HQ-80-92 do cơ quan Hải quan cấp.

(3) Hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu ký giữa các doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

(4) Thông báo thuế hoặc biên lai thu thuế nhập khẩu do cơ quan Hải quan cấp.

Nếu có đủ các giấy tờ trên thì cho phép các chủ hàng làm lại thủ tục nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và Du lịch, kê khai hàng hoá nhập khẩu với cơ quan Hải quan, nộp ngay toàn bộ số thuế nhập khẩu sau đó mới được nhận hàng về để tiêu thụ trong nước.

Trường hợp các chủ hàng muốn tái xuất phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tái xuất. Các chủ hàng sẽ được hoàn lại tiền thuế nhập khẩu đã nộp sau khi đã thực hiện tái xuất số hàng đó.

2b. Trường hợp các doanh nghiệp được làm dịch vụ tạm nhập tái xuất hợp pháp mà không có đầy đủ các điều kiện nói ở điểm 2a trên thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện 1, 2 nói tại điểm 2a sẽ bị coi như hàng nhập lậu và bị tịch thu.

+ Trường hợp các doanh nghiệp có đủ các điều kiện 1 và 2 nhưng khi thu giữ hàng hoá mà hồ sơ kèm theo không đầy đủ điều kiện 3 và điều kiện 4 tại điểm 2a thì yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung đầy đủ hồ sơ. Sau khi các doanh nghiệp đã bổ túc đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì xử lý cho phép các doanh nghiệp mang hàng hoá về quản lý và làm lại thủ tục nhập khẩu như hướng dẫn tại điểm 2a nêu trên. Các doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền phạt về vi phạm hành chính theo Pháp lệnh Xử phạt hành chính.

3. Đối với các chủ hàng là doanh nghiệp cơ quan, đoàn thể hoặc tư nhân không được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp được xử lý như sau:

- Trường hợp các đối tượng trên được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất và có đầy đủ điều kiện hợp lệ (như quy định tại điểm 2a và thêm hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu) thì được xử lý như quy định tại điểm 2a, nhưng phải nộp một khoản tiền về xử phạt vi phạm hành chính.

- Trường hợp các đối tượng trên không được Bộ Thương mại và Du lịch cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất hoặc không có đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh thì cũng bị coi là hàng nhập lậu và bị xử lý tịch thu.

- Trường hợp các đối tượng trên nhập lậu hàng hoá, làm hồ sơ giả mạo đều bị xử lý tịch thu. Tuỳ theo mức độ sai phạm các đơn vị, cá nhân nói trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.

- Trường hợp người cấp giấy phép sai chỉ dẫn cho giải toả xe trái phép sau khi có công điện 189, chứa chấp, cất giấu hàng hoá hoặc cố ý cản trở, chống đối người thi hành công vụ thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý phê bình, cảnh cáo, cách chức và truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Đối với các chủ hàng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được xử lý như sau:

4a. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp Việt Nam để làm các dịch vụ nhập khẩu hộ, quá cảnh và chuyển khẩu, được Bộ Thương mại và Du lịch cho phép các doanh nghiệp Việt Nam làm các dịch vụ trên và có hồ sơ hợp lệ gồm:

(1) Giấy phép xuất, nhập khẩu hàng quá cảnh hoặc chuyển khẩu do Bộ Thương mại và Du lịch cấp, riêng hàng quá cảnh phải có đóng dấu "hàng quá cảnh".

[...]