BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/2021/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2021
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, TẠM ỨNG VÀ HOÀN TRẢ CHI
PHÍ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06 năm
2015;
Căn cứ Luật thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm
2019;
Căn cứ Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 44/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi
hành án đối với pháp nhân thương mại;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày
26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt,
Bộ trưởng Bộ Tài
chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và
hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương
mại.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư
này hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi
hành án đối với pháp nhân thương mại (sau đây gọi là cưỡng chế) theo quy định tại Điều 44, Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm
2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại
(sau đây gọi là Nghị định số 44/2020/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người
ra quyết định cưỡng chế.
2. Cơ
quan của người ra quyết định cưỡng chế (sau đây gọi là cơ quan ra quyết định cưỡng
chế), cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Pháp
nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định
của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án
(sau đây gọi là đối tượng bị cưỡng chế).
4. Cơ
quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp.
5. Cơ
quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại và cơ quan, tổ chức, cá nhân
khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý chi phí cưỡng chế
1. Pháp
nhân thương mại bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế thực
hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP.
2. Pháp
nhân thương mại bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho
cơ quan ra quyết định cưỡng chế theo quy định của Thông tư này.
Điều 4. Nội dung chi phí cưỡng chế
1. Việc
xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều
43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP.
2. Nội
dung chi:
a) Các
chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh
lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo
quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp
pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê
duyệt.
b) Riêng
chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo
vệ cưỡng chế như sau:
Mức chi
cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định
cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, mức chi cho người được
huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham
gia cưỡng chế.
Điều 5. Cấp phát chi phí cưỡng chế
Việc cấp
phát chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thực hiện theo
quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày
20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực
Kho bạc Nhà nước.
Điều 6. Nộp và tạm ứng chi phí cưỡng chế
1. Trước
khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán
chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng
chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế,
lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.
Dự toán
chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng
chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khấu trừ tiền trong tài
khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp (đối với biện
pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế (văn bản ghi rõ ngày, tháng,
năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ thanh toán bằng tiền mặt hoặc số
tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và các thông tin cần thiết khác). Đồng
thời, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải gửi tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước,
công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi
hành biện pháp tư pháp và cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp (trường hợp
áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP).
Trường hợp
thực hiện việc cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, thì Thủ trưởng cơ
quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp
nhân thương mại, số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện
pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. Ngay sau khi nhận
được quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải
thi hành biện pháp tư pháp thì tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đang quản lý
tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại
mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền trong tài khoản và chuyển cho cơ
quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp
tư pháp.
2. Trường
hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị
cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc lý do khách quan khác, căn cứ dự toán chi
phí cưỡng chế được phê duyệt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan
có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị
định số 44/2020/NĐ-CP) đề nghị cơ quan ra quyết định cưỡng chế tạm ứng chi
phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế để thực hiện. Mức tạm ứng tối đa bằng
dự toán kinh phí cưỡng chế được giao của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
3. Hồ sơ
tạm ứng bao gồm dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao, văn bản phê duyệt dự
toán chi phí cưỡng chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy rút dự toán
ngân sách (tạm ứng) theo quy định.
Điều 7. Quyết toán và hoàn trả tạm ứng chi phí cưỡng chế
1. Khi kết
thúc việc thi hành quyết định cưỡng chế, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế
(hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều
42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trình người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt
quyết toán chi phí cưỡng chế. Cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi
quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt cho đối tượng bị cưỡng chế (trường
hợp đối tượng bị cưỡng chế đã nộp chi phí cưỡng chế).
Nếu số tiền
quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt thấp hơn số tiền đối tượng bị cưỡng
chế đã nộp thì cơ quan ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm hoàn trả lại cho
đối tượng bị cưỡng chế số tiền chênh lệch. Trường hợp quyết toán chi phí cưỡng
chế được phê duyệt cao hơn số tiền đối tượng bị cưỡng chế đã nộp thì đối tượng
bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp số tiền còn thiếu cho cơ quan ra quyết định cưỡng
chế.
2. Trường
hợp đã thực hiện tạm ứng chi phí cưỡng chế theo quy định tại khoản
2 Điều 6 Thông tư này, căn cứ quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt,
cơ quan ra quyết định cưỡng chế có thông báo bằng văn bản về quyết toán chi phí
cưỡng chế được phê duyệt gửi cho đối tượng bị cưỡng chế để nộp chi phí cưỡng chế
(văn bản ghi rõ ngày, tháng, năm xử phạt, số tiền phải thanh toán, địa chỉ
thanh toán bằng tiền mặt hoặc số tài khoản nếu thanh toán bằng chuyển khoản và
các thông tin cần thiết khác).
Chậm nhất
10 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt,
đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết
định cưỡng chế. Khi thu được tiền từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan ra quyết định
cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn ứng cho ngân sách nhà nước.
3. Trường
hợp thu được tiền chi phí cưỡng chế từ tiền bán đấu giá tài sản (theo quy định
tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP), sau
khi đã khấu trừ chi phí bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về bán
đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế (hoặc cơ quan có thẩm
quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số
44/2020/NĐ-CP) thực hiện hoàn trả chi phí cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị
cưỡng chế đã thực hiện nộp chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng
chế (hoặc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP) trả lại số tiền chi phí cưỡng
chế từ khoản thu bán đấu giá tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế.
4. Trường
hợp không có khả năng thu hồi chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế bị
phá sản, giải thể mà không còn tiền, tài sản để nộp chi phí cưỡng chế thì cơ
quan thi hành quyết định cưỡng chế báo cáo người ra quyết định theo quy định tại
khoản 5 Điều này.
5. Định kỳ
hàng năm, vào thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, người ra quyết định cưỡng
chế báo cáo việc sử dụng kinh phí tạm ứng để thực hiện việc cưỡng chế bao
gồm: số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được; số kinh phí chưa thu
hồi được; số kinh phí không có khả năng thu hồi (nếu có); nguyên nhân chưa thu
hồi và kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp.
Hồ sơ
hoàn tạm ứng chi phí cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định
tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này và quy định của pháp luật hiện
hành về hoàn tạm ứng dự toán.
Điều 8. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán
1. Việc lập
dự toán, chấp hành và quyết toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan ra quyết
định cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật
ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Kinh phí cưỡng chế được giao
trong dự toán hàng năm của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
2. Cuối
năm, đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn,
số dư dự toán chưa sử dụng sẽ bị hủy bỏ theo quy định, số dư tạm ứng chi
phí cưỡng chế còn lại sẽ thu hồi bằng cách chuyển vào số tạm ứng năm sau trong
phạm vi dự toán hàng năm của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông
tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2021.
2. Trong
quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị,
tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, phối hợp giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ
Tư pháp);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài
chính;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, VI (350 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|