Thông tư 54-TT-PT năm 1956 giải thích thêm về cách áp dụng thể lệ về chế độ công tác giáo viên và tính phụ cấp dạy thêm giờ do Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 54-TT-PT
Ngày ban hành 19/11/1956
Ngày có hiệu lực 04/12/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54-TT-PT

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH THÊM VỀ CÁCH ÁP DỤNG THỂ LỆ VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC GIÁO VIÊN VÀ TÍNH PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Kính gửi:

- Ủy ban hành Chính các khu, tỉnh, thành phố
- Khu, Sở , Ty và Khu Giáo dục miền Nam

 

Bộ giải thích chung một số vấn đề mà các khu, Ty thỉnh thị về việc áp dụng và thi hành nghị định số 289-NĐ ngày 8/5/1956 của Bộ quy định chế độ công tác của giáo viên, hiệu trưởng, và nghị định Liên Bộ Nội vụ - Giáo dục – Tài chính số 331-NĐLB ngày 2/6/1956 về chế độ phụ cấp dạy thêm giờ.

I. - NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ HƯỞNG PHỤ CẤP DẠY THÊM GIỜ

1. Việc hưởng phụ cấp dạy thêm giờ nói chung.

Vần đề này đã được quy định rõ trong điều 7 của nghị định số 286-NĐ nói trên. Một giáo viên nào phải dạy quá số giờ tối đa do thể lệ ấn định là trên thực tế đã phải lao động thêm ngoài, và nếu đã lao động thêm theo đúng những thể lệ đã quy định thì bất cứ lý do nào đều được hưởng phụ cấp dạy thêm giờ.

Thông tư số 33/TT ngày 8/6/1956 của Bộ giải thích áp dụng nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB (phần II, Mục 3, Đoạn C) đã ấn định rõ nguyên tắc cắt cử giáo viên dạy thêm giờ được hưởng phụ cấp. Hiệu trưởng cần nắm vững thể lệ và nguyên tắc khi quyết định cử người dạy thêm, trong trường hợp bất thầu không trù tính trước được, để tránh phiền phức trong việc thanh toán phụ cấp cho giáo viên mà hiệu trưởng đã cử dạy thêm. Hiệu trưởng chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc cử người dạy thay không có lý do chính đáng và trái với thể lệ. Thí dụ: Hiệu trưởng cho phép một giáo viên nghỉ vào những ngày không được nghỉ chính thức do Bộ Giáo dục đã quy định mà không có lý do chính đáng, rồi cử người khác dạy thay hưởng phụ cấp là trái với thể lệ.

2) Nguyên tắc chung về việc tính những giờ dạy thêm.

Việc trả phụ cấp dạy thêm giờ xuất phát từ chỗ giáo viên có lao động thêm nên việc tính phụ cấp để trả chỉ căn cứ vào những giờ hay ngày học mà giáo viên đã thực sự phải dạy thêm quá số giờ tối đa quy định.

Giáo viên vẫn thường xuyên dạy thêm một lớp, vì có lý do gì mà một tháng không dạy đủ số ngày học thì tháng đó sẽ tính từng ngày học dạy thêm để trả chức không tính cả tháng.

Thí dụ: Một giáo viên thường xuyên vẫn dạy hai lớp cấp 1 riêng biệt. Trong tháng 4/1956 giáo viên nghỉ dạy đi dự tổng kết cải cách ruộng đất 10 ngày và chỉ còn thực sự dạy thêm cho lớp thứ hai 16 ngày. Trong tháng ấy giáo viên chỉ hưởng phụ cấp 16 ngày đã thực sự dạy thêm là: 500đ x 16 = 8.000 đồng chứ không phải được lĩnh phụ cấp dạy thêm cả tháng cho một lớp là 13.000 đồng.

II. - MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

1. Chế độ công tác của giáo viên dạy sinh ngữ tại các trường phổ thông.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình giảng dạy về môn sinh ngữ, Bộ sẽ quy định chế độ công tác chính thức của các giáo viên dạy sinh ngữ nói chung.

Tạm thời giáo viên dạy sinh ngữ ở cấp học nào (trừ giáo viên Trung văn) sẽ theo chế độ phuh cấp và số giờ tối đã của giáo viên dạy văn hóa ở cấp học ấy nghĩa là 18 giờ nếu dạy tại cấp 2 và 16 giờ nếu dạy tại cấp 3.

Năm nay, nói chung, phần đông các trường phổ thông cấp 2 và 3 đều mới bắt đầu tổ chức dạy Trung văn, nên riêng các giáo viên dạy Trung văn ở cấp 2 cũng như ở cấp3 đều tạm thời theo chế độ công tác của giáo viên cấp 2, nghĩa là 18 giờ lên lớp mỗi tuần (xem công văn số 1377-PT ngày 30/10/1956 của Nha Giáo dục phổ thông).

Còn về phụ cấp dạy thêm giờ của giáo viên Trung văn, thì giáo viên dạy riêng ở cấp nào sẽ theo chế độ phụ cấp thêm giờ của cấp ấy quy định trong điều 1 nghị định Liên bộ số 331-NĐ-LB ngày 2/6/1956.

Nếu một giáo viên Trung văn dạy ở cả hai cấp học, thì ngoài số giờ tối đa mà giáo viên cần bảm đảm như một giáo viên cấp 2 ở cấp đó (tức 18 giờ) những giờ dạy thêm ở cấp nào sẽ được tính trả phụ cấp theo cấp ấy.

Thí dụ:

1) Giáo viên dạy 5 giờ ở cấp 2 và 16 giờ ở cấp 3, thì trừ 18 giờ tối đa cần bảo đảm (5g + 13g), giáo viên còn dạy thêm 3 giờ (16g – 13g) ở cấp 3, 3 giờ này được trả theo giá biểu cấp 3.

2) Giáo viên dạy 20 giờ ở cấp 2 và 4 giờ ở cấp 3, thì trừ 18 giờ tối đa cần bảo đảm ở cấp 2, giáo viên đã dạy thêm 2 giờ ở cấp 2 (20g – 18g) và 4 giờ ở cấp 3. Như vậy, 2 giờ dạy thêm ở cấp 2 sẽ được trả theo giá biểu cấp 2 , và 4 giờ dạy thêm ở cấp 3 sẽ được trả theo giá biểu cấp 3.

2. Giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm được bớt mỗi tuần lễ mấy giờ lên lớp.

Giáo viên này được rút bớt mỗi tuần lễ 2 giờ lên lớp (xem thêm công văn số 896-PT ngày 30/8/1956 của Nha Giáo dục phổ thông về nội dung công tác của giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm).

3. Một giáo viên vừa làm giáo viên chủ nhiệm lớp vừa làm tổ trưởng tổ chuyên môn.

Giáo viên này được rút bớt mỗi tuần lễ 2 giờ lên lớp (một giờ về nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm, một giờ về nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ chuyên môn). Tuy nhiên, trường chỉ nên phân công cho một giáo viên kèm nhiệm hai công tác trong trường hợp bất đắc dĩ.

[...]