Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 54/2009/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 54/2009/TT-BCA
Ngày ban hành 02/10/2009
Ngày có hiệu lực 16/11/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Quyền dân sự

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2009/TT-BCA

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08-9-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14-11-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,

Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Công an xã (gọi chung là Công an nhân dân); các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

1. Thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, bảo đảm dân chủ đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương.

2. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cản trở, chống người thi hành công vụ; các hành vi tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tuỳ theo mức độ vi phạm phải được xử lý theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Những việc Công an nhân dân phải thông báo để nhân dân biết

1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông:

a) Tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;

b) Trang phục và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ;

c) Nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình tuần tra kiểm soát, chỉ huy điều khiển giao thông và dẫn đoàn;

d) Các trường hợp được dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát;

đ) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và chỉ huy, điều khiển giao thông.

2. Trong công tác đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông:

a) Địa chỉ, sơ đồ nơi làm việc, lịch giải quyết các công việc về đăng ký, cấp biển số, quản lý phương tiện giao thông;

b) Thủ tục đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;

c) Lệ phí đăng ký phương tiện giao thông;

d) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông;

[...]