Thông tư 49/2016/TT-BGTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 49/2016/TT-BGTVT
Ngày ban hành 30/12/2016
Ngày có hiệu lực 01/03/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2016/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU GIÁ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là trạm thu giá) là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch hoặc dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đơn vị thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi chung là đơn vị thu giá) là tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền thu hoặc cho phép thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Tài sản của trạm thu giá bao gồm: nhà điều hành, nhà bán vé, cổng trạm soát vé, thiết bị kiểm soát và quản lý thu, hệ thống điện chiếu sáng, phương tiện vận tải (xe chở tiền, xe đưa đón công nhân), hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe (nếu có), hệ thống thiết bị giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (nếu có) và các công trình phụ trợ, các trang thiết bị khác phục vụ việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Điều 4. Quy định về việc xây dựng trạm thu giá

1. Trạm thu giá được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo phải tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và thiết kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài, công nghệ thu phải được chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu và phù hợp với công nghệ chung của các trạm thu giá đang áp dụng và được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

2. Trạm thu giá phải áp dụng hệ thống công nghệ thu một dừng, thu điện tử tự động không dừng sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và quy định của Bộ Giao thông vận tải. Việc xây dựng hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Toàn bộ hệ thống công nghệ thu, hệ thống thiết bị kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giám sát và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo kết nối trực tuyến, ổn định và liên tục với hệ thống quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM THU GIÁ

Điều 5. Trách nhiệm của đơn vị thu giá

1. Tổ chức hoạt động của trạm thu giá tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này.

2. Xây dựng quy trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp với công nghệ thu đang áp dụng tại trạm thu giá và quy định nội bộ về kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố trong quá trình thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương nơi đặt trạm thu giá để giữ gìn an ninh, trật tự trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở, gây phiền hà trong hoạt động thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ; xử lý kịp thời các hành vi gian lận (không mua vé, sử dụng vé giả, quay vòng vé, vé không đúng chủng loại) trong quá trình thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

4. Thực hiện thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yết công khai tại trạm thu giá khi bắt đầu tổ chức thu về địa điểm trạm thu giá, thời điểm bắt đầu thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Trong trường hợp có thay đổi về mức thu, công nghệ thu, hình thức thu, đối tượng thu, đơn vị thu giá phải thông báo công khai và niêm yết tương tự như khi bắt đầu tổ chức thu. Hình thức thông báo công khai bao gồm đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và trung ương, đồng thời gửi thông báo đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

[...]