Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 48/2022/TT-BGTVT
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 01/07/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2022/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG ĐỐI VỚI XE Ô TÔ CON, XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY SỬ DỤNG ĐIỆN VÀ HYBRID ĐIỆN

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Căn cứ Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện.

Chương I

HƯỚNG DẪN CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn về việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, kể cả người lái xe (sau đây viết tắt là xe ô tô con), xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện, bao gồm: xe ô tô con hybrid điện, xe ô tô con thuần điện, xe mô tô hybrid điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện (sau đây viết tắt là xe) được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, xe chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự;

c) Xe có kết cấu, công nghệ mà hiện tại việc thử nghiệm trong nước chưa thực hiện được;

d) Xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe;

đ) Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;

e) Xe chỉ được dẫn động bằng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG/biomethane và H2NG), nhiên liệu hydro.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc dán nhãn năng lượng xe.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hệ dẫn động điện (Electric power train) là hệ thống bao gồm: một hoặc nhiều thiết bị tích trữ điện năng (ắc quy, pin, bánh đà điện cơ hoặc siêu tụ); một hoặc nhiều thiết bị ổn định điện năng; một hoặc nhiều thiết bị điện được sử dụng để chuyển đổi điện năng tích trữ thành cơ năng truyền tới các bánh xe làm nguồn động lực cho xe chuyển động.

2. Hệ dẫn động hybrid điện (Hybrid electric power train) là hệ dẫn động tiêu thụ năng lượng từ cả hai nguồn năng lượng được tích trữ trên xe như sau:

a) Nhiên liệu;

b) Thiết bị tích trữ điện năng.

3. Xe thuần điện (Pure electric vehicle, PEV) là xe được dẫn động bằng hệ dẫn động điện.

[...]