Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 449-TTg năm 1959 ban hành điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp do Phủ Thủ Tướng ban hành

Số hiệu 449-TTg
Ngày ban hành 17/12/1959
Ngày có hiệu lực 01/01/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Trường Chinh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 449-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BẬC THẤP

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp khóa thứ X, sau khi nghe và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội”, đã nhất trí nhận định rằng: Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc nước ta đang phát triển mạnh, nó đã trở thành phong trào quần chúng; hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính trong toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Quốc hội đã quyết nghị tán thành những điều quy định cơ bản về mục đích, yêu cầu, đường lối giai cấp, phương châm, nguyên tắc, những chính sách cụ thể và phương pháp vận động hợp tác hóa nông nghiệp đã nêu lên trong báo cáo của Chính phủ và giao cho Chính phủ tăng cường lãnh đạo cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp.

Căn cứ vào nghị quyết đó của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ đã xét và quyết định ban hành bản “Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp” để áp dụng cho tất cả các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp ở miền Bắc nước ta.

Hiện nay, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp căn bản là tốt, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều thiếu sót trong việc áp dụng các chính sách cụ thể;; nhất là việc quản lý hợp tác xã còn yếu.

Những khó khăn và thiếu sót đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần do các hợp tác xã còn thiếu một bản điều lệ mẫu chính thức để dựa vào đó mà xây dựng điều lệ riêng cho mình. Vì vậy, việc ban hành bản điều lệ mẫu chính thức này chính là để đáp ứng yêu cầu cấp bách của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp hiện nay.

Bản điều lệ mẫu này tổng hợp những kinh nghiệm hợp tác hóa nông nghiệp những năm vừa qua và đã được nêu trong nghị quyết của hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 16 và trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khóa họp thứ X. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp đã thành lập hoặc sẽ thành lập cần căn cứ vào điều lệ mẫu này mà xây dựng điều lệ riêng cho hợp tác xã mình. Địa phương nào muốn có những quy định trái với bản điều lệ này phải báo cáo và xin chỉ thị của Chính phủ (theo quy định cụ thể trong bản điều lệ).

Để hướng dẫn các cấp và địa phương áp dụng điều lệ này có kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ nhắc các Ủy ban hành chính các cấp chú ý những điểm sau đây:

I. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC HƯỚNG DẪN CÁC HỢP TÁC XÃ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ

Hiện nay, nhiều hợp tác xã đã có điều lệ tạm thời, nhưng cách làm và nội dung không giống nhau. Có nơi việc thảo luận và thông qua điều lệ tiến hành không được nghiêm túc. Có nơi có điều lệ rồi nhưng không tôn trọng điều lệ. Vì vậy muốn cho các hợp tác xã xây dựng đúng đắn điều lệ riêng và tôn trọng điều lệ mẫu, vấn đề trườc mắt là phải làm cho cán bộ và xã viên hợp tác xã thấy rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của điều lệ; thông qua việc thảo luận dân chủ và tập thể xây dựng điều lệ mà làm cho xã viên thấu suốt tinh thần chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, nâng cao một bước giác ngộ giai cấp và giác ngộ xã hội chủ nghĩa và nâng cao nhiệt tình cách mạng của xã viên để xây dựng và củng cố hợp tác xã một cách vững chắc, làm tốt công tác quản lý hợp tác xã, không ngừng nâng cao sản xuất và thu nhập cho hợp tác xã và cho xã viên,

Điều lệ của mỗi hợp tác xã biểu hiện ý chí tập thể của đông đảo xã viên tự giác, tự nguyện tổ chức nhau lại và đặt ra những nguyên tắc và kỷ luật cho mình, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn Đảng và Nhà nước. Điều lệ riêng của mỗi hợp tác xã phải dựa vào và không trái với những điều quy định trong điều lệ mẫu chính thức này, nhưng mặt khác nó phải phản ánh được nguyện vọng của quần chúng xã viên, giải quyết những vấn đề thiết thực của hợp tác xã phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương và của hợp tác xã.

Vì vậy, trong khi xây dựng điều lệ riêng của mình, các hợp tác xã không nên máy móc sao nguyên văn điều lệ mẫu này mà phải tùy tình hình thực tế của hợp tác xã hiện nay và khả năng phát triển sau này để phân biệt điều nào cần ghi, điều nào không cần ghi, hoặc cần ghi như thế nào cho sát. Các Ủy ban Hành chính Khu, Tỉnh, Thành cần rút kinh nghiệm việc nghiên cứu, thảo luận điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã và phổ biến kinh nghiệm tốt cho các địa phương.

Việc hướng dẫn các hợp tác xã thảo luận điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã cần thích hợp với từng đối tượng.

- Đối với những hợp tác xã đã có điều lệ tạm thời thì cần đối chiếu điều lệ tạm thời với những quy định của điều lệ mẫu này, sửa đổi hoặc bổ sung những chỗ sai sót trong điều lệ tạm thời và trong hoạt động trước đây của hợp tác xã, nhằm củng cố và đưa hợp tác xã tiến lên một bước.

- Đối với những hợp tác xã mới thành lập, chưa có điều lệ, thì việc học tập điều lệ mẫu giúp cho cán bộ và xã viên hiểu được chính sách cụ thể, nắm được nguyên tắc tổ chức và quản lý hợp tác xã để xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã mình.

- Nơi nào từ nay mới xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều phải căn cứ vào bản điều lệ mẫu chính thức này mà xây dựng điều lệ riêng của mình.

- Các hợp tác xã bậc cao cũng cần tham khảo bản điều lệ mẫu này và tiếp tục củng cố về các mặt tổ chức và quản lý.

Việc học tập, nghiên cứu bản điều lệ mẫu này không tổ chức thành một đợt riêng ở xã, mà phải kết hợp với công tác phát triển và củng cố hợp tác xã qua từng đợt mà làm cho được hợp lý. Hiện nay, sau vụ gặt mùa các địa phương đang củng cố các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã có, cần kết hợp với công tác đó mà nghiên cứu bản điều lệ mẫu này và kiểm tra lại bản điều lệ riêng của hợp tác xã; nếu có chỗ nào cần phải sửa đổi hoặc bổ sung thì phải thông qua thủ tục dân chủ mà kịp thời sửa đổi, bổ sung.

II. XÉT DUYỆT ĐIỀU LỆ VÀ BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều lệ của hợp tác xã, sau khi được đại hội xã viên biểu quyết hợp lệ (theo nguyên tắc ghi trong điều 35 của điều lệ mẫu), phải trình cơ quan chính quyền xét duyệt mới coi là chính thức. Quyền xét duyệt điều lệ hợp tác xã quy định như sau:

Điều lệ hợp tác xã do Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, thị xã xét duyệt. Gặp trường hợp khó khăn không tự giải quyết được thì Ủy ban Hành chính huyện phải báo cáo và xin ý kiến của Ủy ban Hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố để giải quyết. Nếu gặp trường hợp cần quy định khác với quy định trong điều lệ mẫu thì Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố phải báo cáo và xin chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với miền núi, Ủy ban Hành chính các khu Tự trị có quyền căn cứ vào tình hình đặc điểm của địa phương mà đặt ra những quy định bổ sung trong phạm vi không trái với điều lệ mẫu. Những quy định bổ sung đó phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Ủy ban Hành chính xã có trách nhiệm giúp đỡ Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, thị xã trong việc hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng điều lệ của mình.

Bản điều lệ mẫu được ban bố là một vũ khí mạnh mẽ để phát triển và củng cố các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến nhanh hơn nữa. Ủy ban Hành chính các cấp cần căn cứ vào thông tư này mà đặt kế hoạch cụ thể hướng dẫn các hợp tác xã nghiên cứu điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã hoặc kiểm tra điều lệ tạm thời đã có thể bổ sung hoặc sửa đổi nếu cần thiết, chú trọng việc phổ biến kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những vấn đề cần giải quyết và báo cáo lên  Chính phủ xét.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trường Chinh

 

 

 

[...]