Nghị quyết về việc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ miền núi do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu khongso
Ngày ban hành 04/11/1959
Ngày có hiệu lực 19/11/1959
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký ***
Lĩnh vực Doanh nghiệp

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 1959

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾN HÀNH HỢP TÁC HÓA NÔNG NGHIỆP KẾT HỢP HOÀN THÀNH CẢI CÁCH DÂN CHỦ MIỀN NÚI

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp khóa thứ X đã nhận định về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và nhất trí tán thành những điều quy định cơ bản trong báo cáo của Chính phủ về mục đích yêu cầu, đường lối giai cấp, phương châm, nguyên tắc, những chính sách cụ thể và phương pháp vận động hợp tác hóa nông nghiệp ở toàn miền Bắc, bao gồm cả đồng bằng và miền núi.

Song vì miền núi có những đặc điểm riêng, cho nên Hội đồng Chính phủ quy định những điểm cụ thể dưới đây để tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH HÌNH MIỀN NÚI THUỘC MIỀN BẮC NƯỚC TA HIỆN NAY.

Miền núi chiếm hai phần ba diện tích miền Bắc nước ta, gồm trên 30 dân tộc với khoảng 2.300.000 dân (kể cả 580.000 người Kinh ở xen kẻ có trên 3.000 cây số biên giới, chiếm một vị trí rất quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Riêng về kinh tế, khả năng miền núi nước ta rất dồi dào, không những có điều kiện để phát triển cây lương thực, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả, nghề rừng, chăn nuôi,v.v… mà còn có điều kiện để dần dần xây dựng những trung tâm công nghiệp như khai khoáng, điện lực, luyện kim, cơ khí, chế biến nông sản và các lâm sản, v.v…).

Trong cách mạng tháng Tám và kháng chiến cũng như trong mấy năm xây dựng hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch, miền núi thuộc miền Bắc nước ta đã có những tiến bộ lớn về mọi mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Đồng bào miền núi có truyền thống cách mạng lâu đời. Những căn cứ địa cách mạng cũ phần lớn đều ở miền núi. Nhân dân miền núi nhờ có cách mạng mà được tự do, cơm áo, cho nên rất tin tưởng ở Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch. Qua cách mạng tháng Tám và qua nhiều cuộc vận động cải cách dân chủ từ Cách mạng tháng Tám đến nay, vấn đề ruộng đất và vấn đề xây dựng chính quyền nhân dân căn bản đã được giải quyết; những hình thức bóc lột tàn bạo và những đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp phong kiến căn bản đã bị xóa bỏ. Các chế độ thổ ty, lang đạo, phia tạo căn bản đã tan rã. Trong hơn 200 xã miền núi đã cải cách ruộng đất, ta đã đánh đổ địa chủ, thực hiện được khẩu hiệu người cày có ruộng, nông dân đã hoàn toàn làm chủ nông thôn. Ngoài ra, 688 xã khác đã qua vận động giảm tô. Hơn 1.000 xã còn lại, tuy chưa qua phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, nhưng đều đã qua những cuộc vận động khác có tính chất dân chủ dưới mức độ khác nhau. Cho nên ở miền núi nói chung ruộng đất hầu hết đã thuộc về nông dân; chính quyền căn bản đã ở trong tay nông dân. Nhiệm vụ cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân ở miền núi thuộc miền Bắc nước ta đã căn bản hoàn thành. Trên cơ sở đó, nông dân các dân tộc miền núi bắt đầu được tổ chức lại để lao động tập thể. Đến cuối tháng sáu, riêng miền núi đã có 44.070 tổ đổi công bao gồm 74,4% hộ nông dân lao động và 2.232 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bao gồm 14,2% nông hộ. Phong trào hợp tác hóa phát triển đã có tác dụng thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, làm cho nông dân miền núi bước đầu thấy rõ tinh hơn hẳn của lối làm ăn tập thể.

Đó là mặt chủ yếu của tình hình miền núi hiện nay.

Nhưng mặt khác, trình độ phát triển của các dân tộc miền núi nói chung là thấp và không đều nhau, có vùng còn tàn tích của chế độ phong kiến và tiền phong kiến nữa; có vùng giai cấp đã phân hóa giống như miền xuôi; có vùng giai cấp chưa phân hóa hoặc phân hóa chưa rõ rệt và những vùng đó lại nằm xen kẽ ở cả vùng cao và vùng thấp.

Ở một số ít xã, có địa chủ vẫn có chiếm hữu nhiều ruộng đất và bóc lột theo lối phong kiến. Có nơi thổ ty, lang đạo vẫn còn có uy thế trong một phạm vi nhất định, hoặc còn nằm trong các cơ quan chính quyền ở xã và cản trở việc thi hành các chính sách của Đảng và của Nhà nước. Bọn thổ phỉ, biệt kích, gián điệp cũng đang hoạt động ở một số ít vùng, khống chế uy hiếp quần chúng nông dân.

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền núi phát triển chưa đều, một số chính sách cụ thể thích hợp với miền núi chưa được quy định, công tác tư tưởng trong hợp tác xã chưa được chú ý công tác quản lý hợp tác xã còn rất lúng túng.

Nhiều nơi chi bộ Đảng, Ủy ban Hành chính và các đoàn thể nhân dân chưa được vững mạnh. Có những xã chưa có chi bộ Đảng. Lực lượng cán bộ các dân tộc nói chung thiếu và yếu. Trình độ chính trị và ý thức giai cấp của quần chúng chưa được nâng cao, trình độ văn hóa nhiều nơi còn rất thấp.

Về lãnh đạo, chúng ta chưa coi trọng đúng mức công tác miền núi; các cấp đã có nhiều cố gắng, nhưng nói chung nắm tình hình không vững, giải quyết công việc còn chậm chạp và thiếu cụ thể. Các ngành của Nhà nước, các đoàn thể nhân dân chưa chú trọng điều tra, nghiên cứu tình hình miền núi để giúp Trung ương đề ra những chủ trương và chính sách sát hợp và kịp thời.

Đó là nhược điểm của tình hình.

Nhưng mặc dù còn có những nhược điểm đó, tình hình miền núi căn bản là tốt. Phong trào đổi công tác hợp tác, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất đã kết hợp với nhau và đều có tiến bộ. Cuộc cải cách dân chủ đã có một quá trình tương đối dài, những vấn đề còn lại phải giải quyết không nhiều lắm. Những nơi đã qua phát động quần chúng cải cách ruộng đất và giảm tô mà ít sai lầm, hoặc đã qua phát động quần chúng tiễu phỉ, trừ gian, phục vụ tiền tuyến,v.v… thì nói chung có khá hơn những nơi khác, vùng thấp khá hơn vùng cao, miền nội địa khá hơn miền biên giới. Nơi nào cuộc vận động cải cách dân chủ làm sâu sắc và triệt để, tư tưởng của quần chúng được phát động kỹ thì ở đó vấn đề đoàn kết dân tộc, củng cố trật tự, an ninh và phong trào đổi công hợp tác phát triển sản xuất tiến hành thuận lợi. Trái lại, nơi nào địa chủ, phong kiến chưa thật sự bị đánh đổ, bọn phá hoại hiện hành chưa bị trấn áp và nông dân lao động chưa xây dựng được ưu thế tuyệt đối của mình ở nông thôn, thì chẳng những phong trào đổi công hợp tác chưa thật tốt mà các công tác khác cũng kém kết qủa.

Căn cứ vào tình hình miền núi như trên, Hội đồng Chính phủ nhận định rằng nhiệm vụ của miền núi hiện nay là phải vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất và kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, tức là trong khi tiến hành cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất, phải chú ý giải quyết những vấn đề còn lại của cải cách dân chủ; ngược lại, giải quyết những vấn đề đó cũng chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất ở miền núi.

Dưới đây là những quy định cụ thể cho cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi thuộc miền Bắc nước ta hiện nay.

II. NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỂ TIẾN HÀNH HỢP TÁC HÓA NÔNG NGHIỆP Ở MIỀN NÚI

1. Đường lối giai cấp của Đảng và Chính phủ trong cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.

Đường lối cơ bản của Đảng và Chính phủ ở nông thôn toàn miền Bắc hiện nay là dựa hẳn vào bần nông và trung nông lớp dưới (nơi nào còn cố nông thì dựa hẳn vào bần cố nông và trung nông lớp dưới), đoàn kết chặt chẽ với trung nông. Song vì tình hình miền núi có nhiều chỗ khác miền xuôi và ngay ở miền núi tình hình kinh tế và xã hội giữa các vùng cũng phát triển không đều, cho nên cần đề ra đường lối cụ thể cho hai loại vùng khác nhau ở miền núi như dưới đây:

A. ĐỐI VỚI NHỮNG VÙNG KINH TẾ ĐÃ PHÁT TRIỂN, GIAI CẤP ĐÃ PHÂN HÓA RÕ RỆT THÌ ĐƯỜNG LỐI GIAI CẤP CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ TA LÀ:

Dựa hẳn vào bần cố nông và trung nông lớp dưới, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột kinh tế của phú nông, cải tạo tư tưởng phú nông, xóa bỏ thế lực kinh tế và chính trị còn lại của giai cấp địa chủ phong kiến, ngăn bừa địa chủ ngóc đầu dậy, mở đường cho địa chủ lao động cải tạo thành con người mới; trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, kiên quyết đưa nông dân miền núi đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội.

B. ĐỐI VỚI NHỮNG VÙNG KINH TẾ PHÁT TRIỂN CHẬM, GIAI CẤP CHƯA PHÂN HÓA RÕ, THÌ ĐƯỜNG LỐI GIAI CẤP CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ TA NHƯ SAU:

 Dựa vào nông dân lao động, nhất là nông dân lao động nghèo khổ, tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng, xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến còn lại, trấn áp bọn phản động phá hoại hiện hành, kiên quyết đưa nông dân miền núi đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy là riêng ở vùng giai cấp chưa phân hóa rõ, chỉ đặt vấn đề dựa vào nông dân lao động, vì ở đây trong nông dân lao động có một số người đời sống và tư liệu sản xuất có khá hơn, nhưng không chênh lệch nhiều lắm so với những nông dân lao động khác. Tuy vậy, trong khi tiến hành công tác ở những vùng này, trước hết phải chú ý dựa vào những nông dân lao động nghèo khổ.

Tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng là tranh thủ những người tuy là địa chủ hoặc phú nông (vùng giai cấp đã phân hóa rõ) hoặc có bóc lột (vùng giai cấp chưa phân hóa rõ), nhưng vì quan hệ dân tộc hoặc tôn giáo, họ có ảnh hưởng nhất định trong quần chúng ở một vùng hoặc một xã, từ khi địa phương thành lập chính quyền nhân dân đến nay, họ không phạm tội ác lớn đối với nhân dân, có liên hệ với quần chúng và quần chúng không oán ghét họ, trái lại còn tín nhiệm họ. Nếu những người ấy tán thánh và ủng hộ thì việc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi sẽ được thuận lợi. Tranh thủ tầng lớp trên có liên hệ với quần chúng cụ thể là đoàn kết với họ, đồng thời giáo dục, cải tạo họ, phê bình những thiếu sót của họ. Muốn tranh thủ tầng lớp trên, phải đi sâu vào quần chúng, phát động tư tưởng quần chúng nông dân lao động.

Đối với phú nông ở miền núi, việc hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột kinh tế của họ và cải tạo tư tưởng cho họ phải làm dần dần. Việc hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột đó phải tiến hành bằng cách ra sức phát triển ba hình thức hợp tác xã; hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã vay mượn, chứ không phải bằng cách ra lệnh cấm bóc lột. Cải tạo tư tưởng phú nông bằng cách tổ chức cho họ học tập chính sách của Đảng và Chính phủ, làm cho họ nhận rõ bóc lột là xấu để họ bỏ dần, đồng thời họ không chống đối với hợp tác hóa nông nghiệp và hoàn thành cải cách dân chủ.

Đối với địa chủ, thì theo như chính sách chung, kiên quyết xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, xóa bộ những tàn tích của chế độ thổ ty, lang đạo, phìa tạo; nhưng xóa bỏ một cách ôn hòa và chiếu cố đúng mức những người thuộc giai cấp địa chủ nhưng là nhân sĩ dân chủ, địa chủ kháng chiến, cán bộ đảng viên, bộ đội, nhân viên và gia đình họ.

[...]